Friday, 28 September 2012

‘Chính trị hóa’ ca sĩ Khánh Ly để làm gì?


Tin Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch) của Nhà nước Cộng sản Việt Nam chấp thuận cho hai Ca sỹ Khánh Ly và Bằng Kiều về Việt nam biểu diễn từ nay đến hết tháng 12 năm 2012 đã gây chú ý và bàn cãi từ trong nước ra hải ngoại.
Khác với trường hợp của Bằng Kiều, người được phục hồi sau 8 năm bị tước quyền biểu diễn (từ năm 2004) vì đã có những lời nói và hành động bị Chính phủ Việt Nam lên án “quay lưng lại với chế độ” sau khi đến Mỹ, dự kiến về Việt Nam trình diễn của Khánh Ly đã bị “chính trị hóa” bởi chính những người có trách nhiệm cấp phép, và ít nhất 2 báo Giáo dục Việt Nam và Hà Nội Mới.
Thêm vào đó là những tin trái ngược nhau “về” hay “không về” của Khánh Ly càng làm cho câu chuyện về cuộc đời của Bà rắc rối thêm.
Vậy sự việc này như thế nào và tại sao Khánh Ly đã trở thành “một phương tiện” cho Nhà nước tuyên truyền mới là điều đáng nói.
Trước tiên, vì Khánh Ly có quan hệ mật thiết với Nhạc sỹ Trịnh Cộng Sơn và dòng Nhạc của ông. Hai nhân vật này đã đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam từ thời chiến sang thời bình và có thể sẽ mãi mãi gắn liền với nhau như thế.
Chính Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nhìn nhận chỉ có giọng hát Khánh Ly mới giúp ông truyền tải được tâm tư của mình, và ngược lại Khánh Ly cũng thừa nhận nếu không có Nhạc của Trịnh Công Sơn thì không mấy ai biết đến tên tuổi của Bà.
Cũng giống như trường hợp của Nhạc sỹ Phạm Duy và tiếng hát Thái Thanh. Chính Bà Thái Thanh đã lưu lại trong lòng người nghe dòng nhạc của Phạm Duy từ hồi còn kháng chiến chống Pháp. Và cũng như Khánh Ly với Nhạc Trịnh Công Sơn, hai tên tuổi Phạm Duy-Thái Thanh đã gắn liền với nhau để đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam và sẽ ở đó mãi mãi không ai có thể thay thế được.
Vì vậy, nếu trong chiến tranh ở trong miền Nam nhiều bản Nhạc của Trịnh Công Sơn đã bị lên án có giọng điệu phản chiến làm nản lòng chiến sỹ ngòai chiến trường thì ở miền Bắc, chính quyền Cộng sản đã ca tụng Trịnh Công Sơn là một Nhạc sỹ yêu nước !
Vì vậy nhiều người miền Nam không ưa Trịnh Công Sơn và đã lên án nặng nề cho hành động ông đến Đài Phát thanh Sài Gòn điều khiển chương trình phát thanh và hát bài “Nối Vòng Tay Lớn”” để ca tụng hòa bình đã đến với chiến thắng của bộ đội Cộng sản trong ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Trịnh Công Sơn đã bị nhiều người miền Nam lên án “thiên Cộng” , thậm chí còn có người gọi ông là “cán bộ địch vận của Cộng sản” nhưng người Cộng sản lại ca tụng Trịnh Công Sơn là người ái quốc có công lao đóng góp thu ngắn cuộc chiến đem lại chiến thắng cho đảng CSVN.
Tuy nhiên, cả người chống lẫn người không chống đều đồng ý ông là một Nhạc sỹ tài hoa và ai cũng thích nghe Khánh Ly hát nhạc của ông, dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến.
Vì vậy Khánh Ly, với nửa cuộc đời là Trịnh Công Sơn, cũng đã phải chịu nhiều “thương tích” bởi những “lằn đạn” của người chống Trịnh Công Sơn. Do đó khi có tin Khánh Ly được nhà nước CSVN chấp thuận cho về biểu diễn từ bây giờ đến cuối tháng 12/2012 thì làn sóng vui mừng đã lan nhanh chen lẫn với tiếng xì xèo coi khinh tỏa rộng.
Tại sao vậy ? Bởi vì Khánh Ly đã nhiều lần bị báo chí bên Việt Nam, do đảng kiểm sóat và chỉ đạo, chỉ trích lập trường chống Cộng của Bà vì đã đi hát yểm trợ những tổ chức chính trị, hay đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ và tự do ở Việt Nam.
Ngược lại ở nước ngòai, Bà cũng đã bị nhiều người Việt chống đối vì đã đôi lần về Việt Nam và hát yểm trợ “bán chính thức” cho ca sỹ này, ca sỹ nọ, hay còn đưa ra những lời nói, theo một bài viết của Báo Công an Nhân dân năm 2006 được Báo Hà Nội Mới đăng lại có nội dung nghe “không thuận tai” với lập trường của người tị nạn.
Nhưng hư, thực của chuyện về Việt Nam như thế nào ?
Về phiá chính quyền Cộng sản thì Khánh Ly đã được chính thức cho phép về nước biểu diễn đến hết tháng 12/2012 tại 3 nơi : Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) do Công ty TNHH & Giải Trí Đồng Dao của Ông Nguyễn Ngọc Sơn tổ chức.
Các lần biểu diễn của Khánh Ly sẽ dự trù trong tháng 11 và các ca sỹ Elvis Phương, Tuấn Ngọc và Hà Anh Tuấn sẽ tham gia chương trình.
Đây sẽ là lần đầu tiên trong 37 năm, kể từ ngày rời Sài Gòn đi tìm tự do, Khánh Ly sẽ chính thức hát ở Việt Nam để kỷ niệm 50 năm ca hát từ tháng 11-1962 đến tháng 11-2012.
TIN HAY KHÔNG TIN ?
Nhưng phiá Khánh Ly, xuyên qua người chồng của Bà, cựu ký giả Nguyễn Hòang Đoan nói với tôi (Tác giả bài này – Phạm Trần) thì họ “không biết gì về chuyện này”. Ông Đoan nói rằng hiện nay Khánh Ly đang dồn mọi nỗ lực vào việc hòan tất một đĩa nhạc Thánh Ca gồm 10 Bài hát đạo để tạ ơn Đức Mẹ và Thiên Chúa (Thánh Ca Dâng Me) trong dịp kỷ niêm 50 năm ca hát của Khánh Ly. Một dĩa DVD-Karoke cũng sẽ được phát hành trong vào tháng 11 cho nên rất bận rộn.
Khi được hỏi : “Như vậy là Khánh Ly sẽ không về Vệt Nam như tin báo chí bên Việt Nam nói ?”, ông Đoan đáp : “Tôi chỉ muốn nói là chúng tôi rất bận rộn với việc lo hòan tất CD và DVD-Karoke. Sau đó, cùng với một số Ca sỹ trẻ, Khánh Ly sẽ đi đến nhiều Nhà Thờ và những nơi nào cần chúng tôi tới để hát và bán Dĩa nhạc lấy tiền giúp cho các xứ đạo chứ không bán lấy tiền cho mình.”
Trong khi đó thì báo điện tử Giáo dục Việt Nam (GDVN), trong số ra chiều ngày 26/09/012 đã chạy tin lớn : “Chắc chắn Khánh Ly sẽ về Việt Nam biểu diễn”.
Tin này viết : “Nguồn tin thân cận và rất đáng tin cậy phía ca sĩ Khánh Ly khẳng định với Giaoduc.net.vn: vì nhiều lý do tế nhị nên mới có chuyện tờ báo tiếng Việt ở Mỹ (Nhật báo Người Việt) đưa tin Khánh Ly không về Việt Nam biểu diễn…
Phóng viên Giaoduc.net.vn đã có cuộc trò chuỵên với một ca sĩ nổi tiếng, hiện đang sống ở Việt Nam, thân với Khánh Ly như một người em gái. Ca sĩ này (đề nghị không nêu tên mình vì một số lý do cá nhân – pv) cho biết: “Tôi chắc chắn là chị Khánh Ly sẽ về Việt Nam hát trong tháng 11/2012. Giấy phép đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp rồi, lịch diễn đã được lên, hợp đồng đã ký kết, không thể có chuyện không diễn được”.
Ca sĩ này tiết lộ: “Chị Ly đã có gọi về, giọng rất mừng rỡ vì sắp được biểu diễn ở Việt Nam, cách đây không lâu”.
Lý giải cho thông tin trên tờ báo tiếng Việt rằng Khánh Ly phủ nhận sắp về Việt Nam biểu diễn, ca sĩ này nói: “Có nhiều lý do tế nhị mà chị Ly phải nói như thế (với tờ báo kia – pv), vì muốn tránh những rắc rối không đáng có tại Mỹ. Chị ấy muốn đến ngày là bay về thẳng Việt Nam một cách âm thầm, không ai biết”.
Ca sĩ này cũng không quên “giải oan” cho ông Nguyễn Ngọc Sơn, chủ phòng trà Đồng Dao:“Sơn là người đàng hoàng, rất cẩn trọng trong lời nói, giới nghệ sĩ đều biết. Vì vậy, tôi có thể khẳng định, nếu thủ tục cho Khánh Ly về Việt Nam biểu diễn chưa xong, Sơn sẽ không bao giờ công bố cho báo chí. Sơn là dân kinh doanh nên không cần phải nói, Sơn cũng biết đặt uy tín lên hàng đầu…”.
CHẮC CHẮN VỀ-BIỂU DIỄN THÁNG 12
Đến chiều 27/9, theo nhiều báo ở Việt Nam thì công ty TNHH & Giải Trí Đồng Dao đã lên tiếng giải đáp thắc mắc của khán giả trước những thông tin trái chiều này.
Thọai Hà của VNEXPRESS viết : “Ông Nguyễn Ngọc Sơn, giám đốc công ty và đại diện ban tổ chức, cho biết: “Lúc này, chúng tôi vẫn đang xây dựng kế hoạch cho sự trở về của ca sĩ Khánh Ly, cùng những đêm diễn đặc biệt với chất lượng nghệ thuật cao để phục vụ đông đảo khán giả đã suốt bao năm qua yêu mến giọng hát và âm nhạc của ca sĩ Khánh Ly.
Trên tinh thần đó, chúng tôi đang dành thời gian để chuẩn bị thật kỹ lưỡng về khâu tổ chức gồm địa điểm, sân khấu, nội dung nghệ thuật và những công việc khác liên quan đến những đêm diễn chính thức sắp tới. Chúng tôi sẽ công bố thông tin chính thức về những đêm diễn này (địa điểm, ngày giờ biểu diễn) vào một thời gian thích hợp”.
Thông cáo này khẳng định, ca sĩ Khánh Ly đang dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho sự trở về biểu diễn lần đầu tiên tại Việt Nam sau 30 năm. Ngoài ra, nữ danh ca cũng dành thời gian cho những kế hoạch thu âm và quay hình cho CD và DVDThánh Ca dâng Mẹ, được phát hành trong Thánh lễ “Tạ Ơn – Kỷ niệm 50 năm ca hát” trong tháng 11 này.”
Trong khi đó hãng VTC NEWS nói rõ Khánh Ly có khả năng trình diễn vào tháng 12, thay vì tháng 11. Bản tin viết : “Phóng viên đã liên lạc với ông Nguyễn Ngọc Sơn, chủ phòng trà Đồng Dao cũng như công ty TNHH Giải trí Đồng Dao để xác minh lại một lần nữa. Và theo ông Sơn khẳng định thì việc “người đàn bà hát nhạc Trịnh hay nhất” sẽ về biểu diễn ở Việt Nam là hoàn toàn chính xác.
“Thực ra, chúng tôi chưa xác định được thời gian cụ thể là vì còn chờ vào giấy phép. Sau khi được cấp phép rồi thì hiện chúng tôi đang liên lạc với chị Khánh Ly để lên lịch diễn. Nếu không có gì thay đổi thì chúng tôi sẽ thực hiện bốn chương trình tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM như mọi người đã biết”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn thì nhiều khả năng chương trình sẽ diễn ra vào tháng 12 chứ không phải là tháng 11 như báo chí đã đưa tin. Danh sách các ca sĩ khách mời vẫn là Tuấn Ngọc, Elvis Phương và Hà Anh Tuấn.”
AI DÀN DỰNG ?
Trước đó vào ngày 26/09/2012, Ông Nguyễn Ngọc Sơn – chủ phòng trà, công ty Đồng Dao, người đứng ra xin phép và tổ chức đã trả lời Báo Lao Động ngày 26/09/012, theo tường thuật của Minh Thi như sau :
“Khi được hỏi, làm sao mà ông mời được ca sĩ Khánh Ly về nước biểu diễn (trước đó có nhiều lời mời, nhưng chị chưa chọn được thời điểm trở về), ông Sơn cười vui: “Không phải là mời, mà là chương trình chị Khánh Ly muốn làm ở quê hương. Được về VN biểu diễn là mơ ước từ lâu của chị Khánh Ly. Hơn ai hết, chị muốn kỷ niệm 50 năm ca hát của mình ở VN, chứ không ở đâu khác (Khánh Ly đi hát từ tháng 11.1962). Chương trình này do chị biên tập về mặt âm nhạc, và do chị đặt hàng cho chúng tôi thực hiện. Thế nhưng, chúng tôi xin phép từ năm ngoái, mà đến ngày 24.9, chương trình mới được cấp phép”.
H: Cơ duyên nào khiến nữ danh ca Khánh Ly chọn ông làm đối tác thực hiện chương trình?
Đ: “Tôi từng gặp chị ở Mỹ cách đây hai năm. Chị em trò chuyện với nhau, và sau đó còn nhiều lần liên lạc qua lại nữa. Chị đã tin tưởng giao cho tôi việc này. Nhận là tôi rất vui, bởi từ trước tới nay tôi rất yêu giọng hát của chị. Nhưng từ trước đến giờ còn chờ giấy phép, đến lúc này tôi mới triển khai. Thế nên, chưa chọn được đạo diễn và ngay cả thời gian, địa điểm tổ chức đến giờ cũng chưa gút lại được. Giá vé cũng chưa thể công bố…”
H: Trong chương trình, được biết, Khánh Ly sẽ hát 20 ca khúc, chủ yếu là của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong đó có ca khúc nào mới không, thưa ông?
Đ:- “Chủ yếu là những bài đã gắn bó tên tuổi của Khánh Ly với dòng nhạc Trịnh không ai có thể thay thế được. Những bài hát này chúng tôi sau khi xin cấp phép từ phía Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), sẽ trả tác quyền cho gia đình nhạc sĩ đầy đủ. Ngoài ra còn có 2 ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An, trong đó có một bài mới do nhạc sĩ viết riêng cho chị.””
Cũng nên biết báo Giáo dục Việt Nam và báo Hà Nội Mới đã đăng một số bài viết chỉ trích “tư cách” và “lập trường chính trị” của Khánh Ly trước và sau khi có tin Khánh Ky sẽ về Việt Nam trình diễn.
Nhưng mục đính để làm gì hay chỉ cố tạo dư luận để chống việc Khánh Ly về nước, hoặc tạo nên một “phong trào quần chúng” để chuẩn bị hành động làm mất uy tín của Khánh Ly và phá các buổi trình diễn của Công ty Đồng Dao ?
Tỷ dụ như trong bài viết ngày Thứ hai 13/08/2012, báo Giáo dục Việt Nam đã chạy tít :“Khánh Ly có đáng được ‘hưởng hạnh phúc’ như Chế Linh?” (Ca sỹ Chế Linh mới hòan tất một chuyến biểu diễn ở Việt Nam).
Trước đó báo này cũng bêu rêu : “Sự thật tài năng và nhân cách của Khánh Ly” (Thứ ba 07/08/2012), hay “Sự tráo trở của Khánh Ly” (Thứ ba 07/08/2012)
TIẾNG NÓI KIỂM DUYỆT
Thứ truongr Bộ Văn hóa – thể thao
và du lịch Vương Duy Biên
Trong khi chờ có sự giải thích (hy vọng) của báo GDVN thì cũng nên biết nhà nước CSVN đã “xem xét hồ sơ” của Khánh Ly như thế nào trước cho đồng ý cho về nước ?
Báo Tuổi Trẻ viết ngày 26/09/2012 : “Thứ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch Vương Duy Biên – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn và cũng là người đã “xem xét, nghiên cứu” rất kỹ hồ sơ xin cấp phép này
H: Thưa ông, quyết định cho phép ca sĩ Khánh Ly và ca sĩ Bằng Kiều về biểu diễn chính thức trong nước vừa được công bố, nhưng phải chăng đã có một quá trình chuẩn bị trước đó khá lâu? Với tư cách một người đứng đầu Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông có thể cho biết về quá trình này?
Đ: Ðúng là những trường hợp nhạy cảm như thế này không thể đưa ra quyết định chớp nhoáng trong thời gian ngắn. Với những nhân vật được công chúng biết đến nhiều như Bằng Kiều và đặc biệt là Khánh Ly, phải có một quá trình lâu dài xem xét các hoạt động nghệ thuật của họ để có thể đi đến những quyết định quan trọng như thế này.
Bằng quyết định này, chúng tôi muốn thể hiện chính sách cởi mở của Nhà nước, tạo điều kiện cho những nghệ sĩ nay muốn hướng về Tổ quốc, có thể trở về biểu diễn cho đồng bào mình, ngay trên quê hương mình.”
Nhưng tại sao Khánh Ly lại bị đặt vào diện “nhạy cảm” và “nhạy cảm” là cái chi chi ? Chẳng lẽ người Ca sỹ hát Nhạc Trịnh Công Sơn số 1 hơn bất cứ ai, từ trong nước ra ngòai nước lại thuộc thành phần “các thế lực thù địch” cần phải “coi chừng” hay sao, hay là sự có mặt của Bà trên sân khấu hay tiếp xúc với người mến mộ ở Việt Nam có thể sẽ gây “phản xạ” cho nhà cầm quyền Việt Nam ?
Vậy phải chăng khi đồng ý cho Khánh Ly về nước biểu diễn thì Cục nghệ thuật biểu diễn đã thấy mình đạt được mục tiêu tuyên truyền cho điều được gọi là “chính sách cởi mở của nhà nước” ?
Nếu thế thì nhà nước CSVN cần phải “soi gương nhìn lại mặt mình” xem người trong nước hay người ngòai nước đang cần được cởi trói để có tự do, dân chủ và quyền bình đẳng làm người ?
Trả lời câu hỏi liên quan đến chuyện “kiểm duyệt” các Bài hát trước, Vượng nói : “ Vừa qua, chúng tôi mới đồng ý cho phép hai nghệ sĩ (Bằng Kiều,Khánh Ly) về Việt Nam biểu diễn, các đơn vị tổ chức biểu diễn sẽ có trách nhiệm xây dựng kịch bản chi tiết nội dung chương trình và báo cáo cơ quan cấp phép, sau khi hồ sơ công diễn chương trình được cấp phép, khi đó sẽ có những bài hát, tiết mục cụ thể.
Tuy nhiên, chắc chắn các bài hát được biểu diễn trong chương trình sắp tới sẽ không thể nằm ngoài danh mục bài hát được phép biểu diễn. Tất cả công chúng yêu âm nhạc đều có thể xem danh sách này tại website của Cục Nghệ thuật biểu diễn (cucnghethuatbieudien.gov.vn).”
Như vậy, việc kiểm duyệt các bài hát và chương trình biểu diễn của Khánh Ly, nếu Bà về nước thực hiện, cũng như nhà nước đã làm đối với các Ca sỹ hải ngọai khác về Việt Nam biểu diễn, cũng chỉ xác nhận điều đảng CSVN vẫn liên tục bác bỏ đó là “ở Việt Nam không có tự do tư tưởng” .

BBC thực hiện phim tài liệu về Khánh Ly

“Tôi rất hãnh diện có cơ hội phỏng vấn Khánh Ly, vì cô không chỉ đơn thuần là nữ ca sĩ, cô còn là sứ giả đem nhạc Việt Nam đến nhiều quốc gia trên thế giới,” ông Robin Denselow, phóng viên kỳ cựu BBC đã tâm sự như vậy, trong cuộc gặp gỡ Khánh Ly tại Fountain Valley, trưa ngày 23 tháng 9 năm 2012 vừa qua.
Ca sĩ Khánh Ly và nhóm thu hình BBC. (Hình: Mai Năng Quân cung cấp)
Ông nói tiếp, dù trải qua nhiều thế hệ, tiếng hát Khánh Ly vẫn được đủ mọi thành phần khán giả yêu thích, trong nước cũng như hải ngoại. Robin đùa vui: “Ở Anh, mỗi khi tôi nhắc tới tên cô, Việt kiều nào cũng biết và đối xử với tôi rất thân thiện.”
Ðoàn BBC World Service gồm 4 nhân viên, 2 đến từ Luân Ðôn cùng 2 chuyên viên thâu hình thuê bao tại Los Angeles. Họ làm việc với Khánh Ly hơn 4 tiếng đồng hồ, xoay quanh sự nghiệp ca hát của cô, nhất là những kỷ niệm, cảm xúc đáng nhớ trong thời chiến tranh Việt Nam.
Ngoài ra, nhân dịp ghi dấu 50 năm sân khấu (1962-2012), các phóng viên BBC cũng có đặt nhiều câu hỏi với Khánh Ly về thời điểm này.
Chương trình chia làm 2 phần: Ông Robin Denselow phụ trách phần phát bằng tiếng Anh, ông Nguyễn Hoàng (Producer Vietnamese East Asia) thực hiện cuộc phỏng vấn dành cho đài tiếng Việt.
Một trong số điều thích thú là, theo lời yêu cầu, Khánh Ly hát live bài Em Còn Nhớ Hay Em Ðã Quên (Trịnh Công Sơn) do nhạc sĩ Trần Duy Ðức (tác giả nhạc phẩm Nếu Có Yêu Tôi) đệm Tây Ban Cầm.
Ðây không phải lần đầu BBC thâu hình nữ ca sĩ Khánh Ly, năm 1994, dưới sự đạo diễn của ông Matt Walton, Ðoàn BBC đã quay một cuốn phim nhựa 35 ly tại tư gia của cô ở Cerritos, và thâu 2 nhạc phẩm trên bãi biển Laguna Beach, Orange County. Phim này mang tựa “Khánh Ly: Huyền Thoại Ca.”
BBC là đài truyền thanh, truyền hình lâu đời nhất Anh Quốc, gồm 10,000 nhân viên, hằng ngày có chương trình tin tức, văn học, nghệ thuật phát đi toàn cầu bằng 27 ngôn ngữ. Theo tạp chí nghiên cứu World Report, BBC được khán thính giả theo dõi ngang đài NHK của Nhật, chỉ thua CNN của Hoa Kỳ.
Quí vị muốn biết ngày giờ phát thanh phát hình những tiết lộ mới lạ về cuộc đời Khánh Ly do BBC thực hiện, xin vào: bbcworldservice.com hoặc http://www.bbcvietnamese.com/ Khánh Ly nói tiếng Việt, qua phần thông dịch của nữ ca sĩ kiêm xướng ngôn viên truyền hình Hương Thơ.

Khánh Ly vẫn sẽ hát ở Việt Nam?

Chưa rõ danh ca Khánh Ly có trở về hát ở Việt Nam hay không trong lúc nghệ sĩ và người hâm mộ trong nước vẫn bày tỏ sự trông đợi.
Trong khi một số báo nói không có việc bà về Việt Nam biểu diễn, một số báo khác lại khẳng định bà “sẽ về”.
Tuy vậy, đến hôm nay bà chưa có tuyên bố chính thức nào về việc Cục Nghệ thuật biểu diễn ở Hà Nội cấp giấy phép cho bà và nam ca sĩ Bằng Kiều về hát ở trong nước.
Giấy phép này có thời hạn đến hết tháng 12 năm nay, trong khi nhà tổ chức ở Việt Nam nói muốn làm chương trình trong tháng 11 để kỷ niệm 50 năm ngày Khánh Ly bước chân vào con đường ca hát.

Bay về âm thầm?

Trang mạng Giáo dục Việt Nam dẫn nguồn giấu tên mà họ giới thiệu là “một ca sĩ nổi tiếng, hiện đang sống ở Việt Nam, thân với Khánh Ly như một người em gái”.
Người này nói: “Tôi chắc chắn là chị Khánh Ly sẽ về Việt Nam hát trong tháng 11/2012.”
“Chị Ly đã có gọi về, giọng rất mừng rỡ vì sắp được biểu diễn ở Việt Nam, cách đây không lâu.”
Nguồn giấu tên này tuyên bố bà Khánh Ly “muốn đến ngày là bay về thẳng Việt Nam một cách âm thầm, không ai biết”, vì “nhiều lý do tế nhị… vì muốn tránh những rắc rối không đáng có tại Mỹ”.
Trong Bấmphỏng vấn mới đây với BBC, bản thân ca sỹ Khánh Ly cũng thừa nhận sẽ “không ngạc nhiên nếu gặp sự phản đối” khi về biểu diễn ở Việt Nam.
Cũng trên trang Giáo dục Việt Nam, em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bà Trịnh Vĩnh Trinh, tiết lộ đã “gửi thư chúc mừng” ca sĩ Khánh Ly.
Nhưng bà cũng thừa nhận không rõ liệu nữ ca sĩ có về Việt Nam tháng 11 hay không vì bản thân bà Trịnh Vĩnh Trinh “chỉ đọc tin tức qua báo mạng” về việc này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nhân, Trưởng phòng Quản lý Biểu diễn và băng đĩa, Cục Nghệ thuật Biểu diễn của Việt Nam, cho hay việc cấp phép dựa trên đề nghị của Công ty TNHH Giải trí Đồng Dao.
Nhưng trên báo Dân Trí, ông Nhân nói “thực tế, Khánh Ly có biểu diễn hay không, vấn đề này thuộc về phía đơn vị tổ chức.”
“Chúng tôi muốn thể hiện chính sách cởi mở của Nhà nước, tạo điều kiện cho những nghệ sĩ nay muốn hướng về Tổ quốc, có thể trở về biểu diễn cho đồng bào mình, ngay trên quê hương.”
Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch
Còn ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch, tuyên bố: “Bằng quyết định này, chúng tôi muốn thể hiện chính sách cởi mở của Nhà nước, tạo điều kiện cho những nghệ sĩ nay muốn hướng về Tổ quốc, có thể trở về biểu diễn cho đồng bào mình, ngay trên quê hương mình.”

Mong đợi

Dù chưa rõ thực hư, nhiều nghệ sĩ thế hệ sau ở Việt Nam đã bày tỏ mong muốn được nhìn thấy Khánh Ly diễn ở trong nước.
Ca sĩ Phương Thanh cho biết “để xin được giấy phép cho Khánh Ly về Việt Nam biểu diễn công ty Đồng Dao cũng gặp không ít khó khăn”.
Theo Phương Thanh, “chắc chắn khán giả yêu nhạc Trịnh đều rất mong sự trở về lần này”.
Trong khi đó, cây đại thụ âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Duy, người gần đây đã về lại sống ở Việt Nam, nói vài tháng trước, ông được ca sĩ Tuấn Ngọc, con rể ông, cho biết có thể Khánh Ly sẽ về hát ở Việt Nam.
“Đây cũng là bằng chứng hùng hồn của chính sách đại đoàn kết dân tộc.”
“Lẽ dĩ nhiên, việc trở về của Khánh Ly có gặp ít nhiều khó khăn. Nhưng cuối cùng mọi sự cũng đều được giải quyết,” người nhạc sĩ nói với VnExpress.
Một nhạc sĩ khác cùng thời, Nguyễn Ánh 9, cũng mong “ cô ấy đủ sức khỏe để biểu diễn phục vụ quần chúng ba miền”.
Ông nói vui: “Nếu giá vé không quá cao, tôi sẽ đến xem. Còn như vượt quá mức tiền túi cho phép, tôi đứng ngoài ngó cũng được.”

Khánh Ly: ‘Chống đối cũng là tự nhiên’

Khánh Ly, danh ca nổi tiếng và hiện tiếp tục theo đuổi sự nghiệp ca hát sau năm thập niên, nói rằng bà rất muốn về Việt Nam trình diễn.
Khánh Ly trò chuyện với BBC ngày 24/9/2012
Bà chia sẻ với BBC trong cuộc phỏng vấn vào ngày 24/09/2012 tại Fountain Valley, Nam California, và cũng bình luận về khả năng đối diện việc bị phản đối. Phỏng vấn này không liên quan tới các thông tin mới đây trên báo trong nước về khả năng Khánh Ly có thể về nước biểu diễn hay không.
BBC: Một số ca sỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ đã bị phản đối, bị gièm pha vì đã về Việt Nam hát. Nếu ca sỹ về Việt Nam diễn thì việc phản đối như vậy là khả năng khó tránh khỏi?
Khả năng bị chống đối là điều tự nhiên. Nếu không có chống đối, nếu không có những phản ứng đó thì tôi nghĩ đó là điều không thật. Nó phải có những điều như vậy.
Có nhiều người nói với tôi đó là cái Việt Nam tính. Nhưng tôi lại thấy không chịu cái chữ Việt Nam tính đó. Bởi vì không phải người nào cũng như thế. Có những người rất hiểu biết và coi đó là chuyện bình thường.
Nhưng cũng có những người cuồng tín, cực đoan, cái gì cũng hơi quá một tí. Ghét thì cũng ghét quá mà yêu thì cũng yêu quá.
Nhưng mình đâu có cấm được. Mình phải chấp nhận.
Người ca sỹ đứng trên sân khấu hay ngoài đời thường thì đã nhận lời khen thì cũng phải chấp nhận lời chê. Không phải ai cũng yêu mình cả.
Khi chấp nhận đi về, trở qua bên này mà nếu có sự chống đối thì đó cũng là chuyện không có gì to lớn để phải phàn nàn.
Những vấn đề thuộc về đố kỵ, chia rẽ, bôi xấu thì ở đâu cũng có chứ không chỉ có trong cộng đồng người gốc Việt. Tôi cũng chỉ hy vọng rằng nếu chúng ta nghĩ tới nhau một chút, nhường nhau môt bước thì cũng chẳng mất gì. Nếu làm được như vậy thì tốt còn nếu không làm được thì cũng chịu.
BBC: Trong trường hợp ca sỹ về Việt Nam hát thì chắc các ca khúc dự kiến trình diễn sẽ phải có kiểm duyệt?
Phải có kiểm duyệt. Lỡ hát những bài người ta không cho phép thì phiền lắm.
Nhưng mà nhiều khi tôi nghĩ nó cũng đúng. Mình vào nhà người ta. Tức là vào nhà người ta thì chỉ được làm những gì người ta cho phép.
Cái điều đó chẳng làm phiền gì mình hết. Tại vì nhiều khi cái mình thích chưa chắc là cái người ta thích.
Ca sĩ Khánh Ly
Đang có sự mong đợi giọng hát Khánh Ly ở VN nhưng chưa rõ bà có về diễn không
BBC: Với những người hâm mộ ca sỹ Khánh Ly và chưa bao giờ nghe ca sỹ hát trực tiếp, mà ca sỹ hiện chưa về Việt Nam để hát thì bà có thông điệp nào muốn gửi tới họ hay không?
Tôi rất tiếc và tôi rất muốn làm được điều đó. Đối với những người lớn tuổi cùng thế hệ của chúng tôi thì chúng ta nghĩ đến nhau là đủ rồi. Có những kỷ niệm rất đẹp, những lúc thăng hoa trong đời sống của chúng ta. Không có gì đẹp đẽ có thể nảy sinh từ sự hận thù, hay ganh ghét đố kỵ. Nó chỉ nảy nở từ lòng nhân bản của con người mà thôi.
Đối với thế hệ trẻ là những người tôi rất trân quý, tôi đặt rất nhiều hy vọng thì tôi mong các em sẽ là tương lai của Việt Nam. Các em sống tốt, làm việc tốt, học hành tốt, và luôn luôn coi gia đình là nền tảng của cuộc sống và yêu nhạc.
Tôi quan niệm là những người nào đến với nhạc và yêu nhạc đều là những người có trái tim rất nhân bản. Có trái tim đầy ắp tình thương, sẵn sàng chia sẻ với những người không may ở quanh ta. Đó là những điều tôi muốn gửi gắm tới các em trẻ.
“Tôi cũng chỉ hy vọng rằng nếu chúng ta nghĩ tới nhau một chút, nhường nhau môt bước thì cũng chẳng mất gì. Nếu làm được như vậy thì tốt còn nếu không làm được thì cũng chịu.”
Khánh Ly
Nhưng nếu có dịp tôi về, tôi sẽ hát cho các em nghe, tôi sẽ kể chuyện cho các em nghe.
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn là người đi hát rong, tôi là người đi kể chuyện rong qua hai thế kỷ rồi. Tôi nghĩ rằng tôi là người của quá khứ. Các em trẻ bây giờ là người của tương lai. Tôi là kỷ niệm của mọi người.
Mọi người đến với tôi không phải vì hôm nay tôi đẹp hơn 30-40 năm trước. Cũng không phải tôi hát hay hơn 50 năm trước. Mà họ đến với tôi chỉ vì họ tìm thấy ở tôi kỷ niệm của một thời họ còn trẻ và thời đó chỉ đến với mỗi người một lần thôi.

Bao giờ ‘Trên cành khô hoa nở’

Ca khúc lừng lẫy ngay khi ra đời “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn tiếc thay lại không phải ấn tượng dữ dội nhất với một thiếu niên 15 tuổi.
Tiếng hát của Khánh Ly trong ký ức tôi khi đang lớn lại luôn gắn liền hình ảnh một thành phố Sài Gòn vắng lặng của giới nghiêm, ầm ì tiếng đại bác vọng về và ánh hỏa châu trôi lững lờ, thắp sáng chỉ trong khoảnh khắc cái khoảng sân đầy bóng tối của nhà mình những năm Mậu Thân 1968.
Đêm đêm áp tai vào hầm cát nghe tiếng hát Khánh Ly vẳng từ đâu đó bên hàng xóm “Đại bác đêm đêm dội về thành phố người phu quét đường dừng chổi đứng nghe…” buồn , đẹp và u uất khó giải thích với một người chưa đủ trưởng thành.
Nhưng cứ thích áp tai nhiều đêm như thế vào thành vách ẩm ướt của hầm cát nồng mùi chiến tranh. Có lẽ chúng tôi là thế hệ không có tuổi trẻ hay đúng hơn là một tuổi trẻ vội vàng đi qua trong nhiều thảng thốt. Cái chết, bom đạn không còn nơi ruộng đồng xa thẳm. Nó vào thẳng thành phố ngổn ngang xác chết từng ngày.
Vài chục năm sau hòa bình. 1997, tôi và một vài bạn bè đồng nghiệp khác lại thu xếp giấy tờ, vật dụng rời khỏi tờ báo đang rất lừng lẫy của Sài Gòn: Báo Tuổi Trẻ.
Cuộc ra đi chỉ vì ba nhân vật. Hai còn ở nước ngoài, một đã về để trình diễn nghệ thuật: Nhạc sĩ Phạm Duy, Khánh Ly và Thủy – Ea Sola tác giả của “Hạn hán & cơn mưa” vở múa mà các nhân vật hầu như bất động hoàn toàn lại gây thành những cơn chấn động gây tranh cãi về “vấn đề tư tưởng”. Lên án vở múa đương đại ấy tạo thành cơn sóng lớn trên truyền thông và báo chí ngày ấy.
“Khi chính sách trong nước đã phần nào thay đổi những ân oán cũ tưởng đã phai nhạt với thời gian. Nhưng không hẳn thế. Chính sách là ở nơi cao vời. Phép vua vẫn thua lệ làng, những ân oán vẫn nằm ngay trong lòng người.”
Chúng tôi ở phía ủng hộ sự hòa giải và sáng tạo trong nghệ thuật. Cầm đèn chạy trước ô tô rồi. Phải ra đi thôi. Nhưng đấy chỉ là giọt nước tràn ly. Trước đó là những bài viết của Tuấn Khanh, người sẽ thành nhạc sĩ tên tuổi sau này.
Anh và tôi cùng quan điểm ủng hộ sự trở về của nhạc sĩ Phạm Duy và nhắc đến giọng hát Khánh Ly trong những bài viết có liên quan đến nhạc Trịnh thời đểm ấy. Khi đó, trong bài báo hai cái tên ấy luôn phải viết tắt: PD – KL.
Khánh Ly trong một hình tư liệu
Nhưng viết tắt những nhân vật được xem nằm trong phạm trù “ tabu – cấm kỵ ” những năm 1995 – 1996 cũng đã là hé lộ quan điểm riêng của mình.
Sự phản ứng có ngay trong Tuổi Trẻ và cũng đến từ Hội âm nhạc thành phố. Không thể chọn thái độ “nói ngược lại” những điều mình đã viết. Chúng tôi khoác vai nhau ra khỏi cổng tờ báo mình yêu quý và cũng đã góp phần cho manchette vững mạnh của nó.
Chuyện cũ, nhắc lại trong tinh thần không hờn giận ai. Hàng chục năm đã qua. Những nhân vật không đồng quan điểm ngày xưa với chúng tôi, nay có nhiều người đã gặp gỡ, ca ngợi tác phẩm và sự đóng góp lớn lao của Phạm Duy với nền âm nhạc Việt Nam. Đấy cũng là điều công bằng và dù muộn màng cũng vẫn là điều đáng quý trong cái tinh thần hòa giải mà không ít người phải chịu trả giá.
Cuộc chiến tranh ý thức hệ kéo dài 30 năm đã để lại cho thành phố Sài Gòn, đồng thời cũng là thủ đô của Nam Việt Nam những hệ lụy thuộc về lịch sử. Đấy là thành phố “được” giải phóng và trước khi “được giải phóng” ngay trong lòng của nó đã có những cuộc tương tàn. Những cuộc chống cộng bên cạnh những phong trào phản chiến chống Mỹ.
Âm nhạc không ra khỏi cuộc chiến tranh ấy. Nếu có phong trào “Hát cho đồng bào tôi” mà ý thức hệ chính trị nghiêng rõ về cánh tả, thì phong trào Du ca mà Phạm Duy như một trong những thủ lĩnh uy tín cũng như một đối trọng nặng ký. Sau 1975, những nhạc sĩ phong trào sinh viên học sinh chính thức lộ diện là những đảng viên cộng sản thì những nhạc sĩ phía bên kia chiến tuyến nhiều người cũng vác balo vào trại cải tạo hay âm thầm “Gánh dầu ra biển”.
Nhiều chục năm sau. Khi chính sách trong nước đã phần nào thay đổi, những ân oán cũ tưởng đã phai nhạt với thời gian. Nhưng không hẳn thế. Chính sách là ở nơi cao vời. Phép vua vẫn thua lệ làng, những ân oán vẫn nằm ngay trong lòng người. Kêu gọi hòa giải không dễ dàng và đơn giản và dù cả hai phía trong nước lẫn hải ngoại theo thời gian đều đã có những cuộc đi lại, ca hát tưởng rất đương nhiên và bình thường. Nhưng sóng ngầm ân oán vẫn còn cuộn chảy đâu đó ở nơi này nơi kia.
Cuộc chiến vẫn để lại những vết thương trong lòng người
Những Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập v.v. nay đang là chức sắc của Hội âm nhạc Việt Nam chắc chắn không bao giờ có mặt trong những đêm ca khúc của Phạm Duy hôm nay tại Sài Gòn. Không khó hiểu và cũng không thể trách họ. Nhưng nó lý giải phần nào câu hỏi tại sao người này thì được, người nọ thì không?
Dù đã về Sài Gòn hai lần nhưng đều trong im lặng, Khánh Ly rồi cũng sẽ có ngày sau những đêm ca hát lại thong dong đi dạo trên đường phố Sài Gòn thăm lại phố phường và cái phòng trà mang tên chị ngày xưa trên đường Tự Do nay là Đồng Khởi. Hay lặng lẽ thắp một nén hương trước mộ phần của người nhạc sĩ đã song hành cùng chị trên con đường nghệ thuật chưa từng đứt quãng.
Đông đảo người yêu mến giọng hát chị hẳn cũng mong điều ấy sớm thành. Nhưng để sớm thành thì trong lòng những con người nào đó đang cầm nắm tư tưởng, chính trị, nghệ thuật của thành phố Hồ Chí Minh bỗng một hôm nhận ra để kêu lên thảng thốt “ A! Trên cành khô hoa nở [Phạm Duy]”.
Mà điều ấy vẫn còn xa vời lắm.

No comments:

Post a Comment

Đại Họa Mất Nước