Friday 1 May 2015

Học sinh Murdy tưởng niệm quốc hận 40 năm với "The Gratitude Project"


GARDEN GROVE, California (NV) – Bốn mươi năm, sau ngày Sài Gòn thất thủ, việc tưởng niệm biến cố đau thương được thể hiện dưới nhiều hình thức, trong đó, 34 học sinh lớp sáu tiểu học Murdy ở Garden Grove, năm nay đóng góp với dự án tỏ lòng biết ơn “GP” (The Gratitude Project), qua tranh vẽ về cuộc chiến và phỏng vấn các cựu quân nhân Mỹ, Việt.



Dự án “Tỏ Lòng Biết Ơn” tại Trường Murdy Elementary, Garden Grove. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Dự án “Tỏ Lòng Biết Ơn” tại Trường Murdy Elementary, Garden Grove. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)



“Dự án GP bắt nguồn từ ngày về bốn năm trước của một số cựu chiến binh Hoa Kỳ sau khi trở lại thăm Việt Nam, kể từ khi cuộc chiến chấm dứt năm 1975,” cô giáo Valerie Del Carlo, mở đầu bài diễn văn.


“Khi ấy học sinh của tôi viết thư bày tỏ lòng biết ơn đến các cựu quân nhân, vì nhờ họ mà các em được sống trong tự do ở Hoa Kỳ. Ông Miller và ông Webber là hai trong những chiến binh ấy, đến nay vẫn còn giữ nhưng lá thư nhắc nhở sự biết ơn này,” cô nói thêm.


“Từ đó tôi nhận thức được rõ ràng là sự biết ơn có sức mạnh chữa lành và đem lại sự an ủi. Vì thế, nhân kỷ niệm năm thứ 40 cuộc chiến Việt Nam, tôi thấy đây là cơ hội thứ hai để các em khám phá sức mạnh và sự tốt đẹp của lòng biết ơn, thể hiện qua các tranh vẽ và lời tâm tình của các em học sinh lớp sáu hôm nay,” cô giáo giải thích thêm.


Sau đó, cô giáo giao lại phần điều khiển chương trình lại cho các em học sinh.


Các em từ cửa bước vào bằng hai lối khác nhau và đứng thành một hàng ngang, khoảng 30 em đứng trước sân khấu. Từng em bước tới và nói “Cám ơn ông Ngoại,” “Cám ơn ông Miller,” “Cám ơn ông Nội,” “Cám ơn ông Webber,” rồi về chỗ ngồi.


Cử chỉ hồn nhiên và trong sáng của các em khiến lời cảm ơn đi vào lòng mọi người. Các em trực tiếp nói lên lòng biết ơn đến cha mẹ và ông bà là người Mỹ gốc Việt. Các em cũng nhắc đến tên ông Webber và Miller là hai cựu quân nhân Hoa Kỳ. Điều này khiến người tham dự xúc động hơn nữa khi nghe những câu chuyện các em phỏng vấn người thân của mình.



Cô giáo Valerie Del Carlo. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Cô giáo Valerie Del Carlo. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)



Những vị khách danh dự mà cô giáo Del Carlo giao cho các em phỏng vấn cho dự án, gồm ông Đặng Trần Hoa, cựu sĩ quan Sư Đoàn 18 và ông Phạm Văn Toàn, cựu đại úy Sư Đoàn 5 Bộ Binh QLVNCH; và hai cựu quân nhân Mỹ là Lloyd Miller và Jim Webber.


Em Jonathan Phan đọc bài viết của mình, có đoạn “Trong khi các bạn khác làm thơ, em muốn viết bài tường thuật về ý tưởng nảy ra trong đầu, rằng nếu không có các cựu chiến binh, em và cha mẹ em đã không có mặt ở California, em sẽ không được giáo dục như bây giờ và không chừng em cũng không được sanh ra. Đúng rồi. Đó là lòng biết ơn của em. Em cám ơn cha mẹ và người thân đã bảo trợ gia đình em. Em lấy viết và cắm cúi viết. Mỗi khi đi ngang qua cha mẹ, em thầm nói ‘Cảm ơn ba mẹ’.”


Jenny Trần đặt câu hỏi “Chúng ta sẽ ở đâu?” trong bài thơ hỏi bạn bè rằng “nếu không có những người thân hy sinh trong cuộc chiến, như cha, như mẹ, ông bà, chúng ta có hiện diện ở đây không?”


Một em khác, Lanchi Nguyễn, 11 tuổi, phỏng vấn ông Jim Webber và viết rằng “ông ấy nhớ mãi cảnh các em bé Việt Nam đứng bên giếng nước. Ông chú ý một bé gái gánh nước mà mắt ông rươm rướm nước mắt. Ông đi bộ và chụp hình rồi cười với bé gái. Em ấy cũng cười với ông thật tươi.”



Ông Đặng Trần Hoa nhận bằng tri ân của em Clarkson Phan. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Ông Đặng Trần Hoa nhận bằng tri ân của em Clarkson Phan. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)



“Em muốn bày tỏ lòng biết ơn đến các em đó, vì cha mẹ em là một trong những trẻ em ngày ấy. Các em bé phải giúp gia đình, dơ bẩn, đói khát nhưng vượt qua mọi khó khăn. Những hình ảnh ấy in sâu vào tâm trí em và em sẽ mãi mãi biết ơn những đưa trẻ nghèo, dơ bẩn, đói khát,” em Lanchi viết.


Em Tommy Bo, 11 tuổi, viết về hành trình của ông Đặng Trần Hoa.


“Ông Hoa kể năm 1975, ông cố chạy thoát nhưng bị miền Bắc bắt. Bà vợ ông hàng ngày phải đi bộ từ 10 đến 15 dặm để cung cấp lương thực. Ông chịu không nổi trong tù và vượt ngục. Ông chạy vào rừng, thà chết vì nguy hiểm hơn là sống ở trong tù. Ông biết đọc các ngôi sao và đến được Philippines. Đến được Hoa Kỳ, ông quỳ xuống và khóc trước cảnh đẹp của nước Mỹ. Giống như ông Hoa, em biết ơn vì đang sống ở Mỹ, nơi có tự do, dân chủ. Dự án về lòng biết ơn đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi,” Tommy viết.


Trong khi các em khác diễn tả sự suy nghĩ của mình về lòng biết ơn, em Kenneth Trần và các bạn kể chuyện về ông nội của em cho ông Miller nghe.


“Em nói rằng ông Nội em là một chiến sĩ can trường, ông mất một chân trong cuộc chiến. Ông Nội chưa hề cho em biết câu chuyện thực sự xảy ra ra sao, nhưng em biết sự thật. Ông mất chân trong chiến tranh Việt Nam. Em bật khóc nhưng ông nội lại dùng để khuyên dạy tôi về kỷ luật. Ông Nội nói khi bằng tuổi em, ông Nội hư, bị bà Cố đánh và chặt chân ông. Em hư thì cũng sẽ bị như thế,” Em Kenneth bỏ dở câu chuyện và không kể tiếp được, vì quá xúc động.



Em Jenny Trần tỏ lòng tri ơn đến cựu chiến binh Lloyd Miller (trái), ngồi giữa là ông Jim Webber. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Em Jenny Trần tỏ lòng tri ơn đến cựu chiến binh Lloyd Miller (trái), ngồi giữa là ông Jim Webber. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)



Đối với em Clarkson Phan, sự biết ơn ông Ngoại Phạm Văn Toàn của em, được kể rằng: “Cháu cám ơn ông Ngoại đã đưa cả gia đình sang Mỹ, dù đó là bản năng của một người lính là bảo vệ gia đình và còn nhiều nữa. Nếu mẹ cháu không sang Mỹ, chắc gì cháu được sanh ra. Còn nếu sanh ra ở Việt Nam thì cháu đâu có được những gì cháu đang có, như cô giáo tuyệt vời và đời sống tự do.”


“Điều khác cháu học được là sự khôn ngoan từ ông Ngoại truyền lại và những kinh nghiệm cháu sẽ dùng trong cuộc sống. Ông ngoại cho cháu thấy khía cạnh khác của chiến tranh, ngoài sự hủy hoại, chúng ta còn học được nhiều điều, trong đó có cả cháu. Ông Ngoại đã làm việc cực khổ để chúng cháu có cuộc sống tốt đẹp ở Mỹ sau chiến tranh. Cám ơn ông Ngoại đã làm những việc anh hùng để chúng cháu được sống tự do,” em Clarkson nói.


Chương trình tiếp nối với phim ngắn về các công việc của các học sinh lớp sáu trường Murdy, thực hiện, cùng hàng chục bức tranh vẽ và bài viết phỏng vấn, hay cảm tưởng thể hiện lòng biết ơn thuộc dự án GP trong sáu tháng qua.


Ông Huy Đinh, chủ tịch hội phụ huynh, cho biết ông có một cô con gái học lớp hai tên là Brieanna và ông giúp thông dịch các cuộc phỏng vấn của học sinh trong phim.


Buổi sinh hoạt tưởng niệm 30 Tháng Tư có sự tham dự của thị trưởng Garden Grove Bảo Nguyễn, ủy viên giáo dục Terri Rocco và nhân viên của Học Khu Garden Grove.


“Dự án GP thật đầy ý nghĩa cho cả người lớn lẫn các trẻ em. Tôi rất xúc động với những gì các em trình bày,” vị thị trưởng gốc Việt nói.


Muốn xem phim, xin vào: http://www.talkingteaching.org/year-4-video/


Người Việt



Học sinh Murdy tưởng niệm quốc hận 40 năm với "The Gratitude Project"

No comments:

Post a Comment

Đại Họa Mất Nước