Friday 1 May 2015

USCIRF tiếp tục đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC



USCIRF vừa công bố bản báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo toàn cầu năm 2015. USCIRF PHOTO

USCIRF vừa công bố bản báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo toàn cầu năm 2015.
USCIRF PHOTO



Tự do tôn giáo chưa cải thiện


Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) vừa công bố bản báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo toàn cầu năm 2015. Bản báo cáo mới cho thấy tình hình tự do tôn giáo trên thế giới trong năm qua không có nhiều chuyển biến, đặc biệt là ở những nước đã bị USCIRF kiến nghị đưa vào danh sách những nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tông giáo CPC, trong đó có Việt Nam.


Trong cuộc họp báo ngắn công bố bản báo cáo về tự do tôn giáo toàn cầu 2015 diễn ra vào trưa ngày 30 tháng 4 giờ Washington DC, Tiến Sĩ  Katrina Lantos Swett, Chủ tịch Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế cho biết tình hình tự do tôn giáo trên thế giới không có mấy chuyển biến trong suốt năm vừa qua, 2014:


“Chúng tôi thấy không có nhiều bằng chứng cho thấy sự cải thiện rõ ràng của tình hình tự do tôn giáo trên toàn thế giới. Có một ngoại lệ. Sau khi đến thăm Srilanka vào tháng 3, ủy ban thấy Srilanka đã có những tiến bộ thực sự để cải thiện quyền của người thiểu số theo tôn giáo. Nhưng khi chúng tôi nhìn vào 16 nước mà ủy ban đề nghị đưa vào danh sách CPC, không một nước nào có cải thiện tình hình. Một loạt nước từ Trung Quốc đến Syria, chúng tôi thấy những dấu hiệu của sự xuống cấp. Năm nay chúng tôi phải đề nghị đưa 17 nước vào danh sách CPC.”


CPC là danh sách những nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo do Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đưa ra theo đọa luật về Tự do Tôn giáo toàn cầu vào năm 1998.


Theo Tiến sĩ Swett, tình hình tự do tôn giáo tại nhiều nước tiếp tục bị vi phạm bởi không chỉ sự đàn áp của nhà nước mà còn bởi những nhóm và tổ chức phi nhà nước, đặc biệt nghiệm trọng là tình hình tại một số nước Trung Đông với sự trỗi dậy của nhà nước Hồi giáo ISIS.



Bản đồ các nước không có tự do tôn giáo.

Bản đồ các nước không có tự do tôn giáo.



Liên quan đến Việt Nam, nước được USCIRF đề nghị xếp vào lớp thứ nhất trong danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo, bản báo cáo cho thấy chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục kiểm soát toàn bộ các hoạt động tôn giáo thông qua các luật, giám sát hành chính hạn chế ngặt nghèo những hoạt động tôn giáo độc lập, đàn áp những cá nhân và nhóm tôn giáo không được chính phủ nhìn nhận bao gồm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các phật tử người Khmer-Krom, Cao Đài, Hòa Hảo, Công Giáo, Tin lành của người Hmong, người Thượng ở Tây nguyên, và hội thánh Mennonites ở tỉnh Bình Dương.


Theo USCIRF, với dân số hơn 90 triệu người, phần đông người Việt Nam theo đạo Phật. Hiện có khoảng hơn 6 triệu người Việt Nam theo Công giáo, đây cũng là tôn giáo lớn thứ hai tại Việt nam. Tiếp đến là Tin lành với khoảng 1 triệu người.


Nhiều lãnh đạo tôn giáo bị bắt bỏ tù


Báo cáo của USCIRF cũng đề cập đến việc chính phủ Việt Nam thực hiện nghị định 92 bắt đầu từ năm 2013 nhằm mở rộng việc giám sát các hoạt động tôn giáo và làm cho việc đăng ký hoạt động của các nhóm tôn giáo trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó Bộ luật hình sự Việt Nam với các điều luật 88 và 258 đã khiến nhiều những nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo, blogger và các lãnh đạo tôn giáo bị bắt bỏ tù  vì cáo buộc tội chống phá nhà nước. Theo báo cáo hiện có ít nhất từ 100 đến 200 tù nhân lương tâm tại Việt Nam, trong đó có các nhà hoạt động về tôn giáo.


USCIRF cảnh báo trong năm 2015, chính phủ Việt Nam có thể sẽ giới thiệu một luật mới về tôn giáo thay thế Pháp lệnh về tín ngưỡng và tôn giáo năm 2004 và nghị định 92.


Báo cáo của USCIRF cũng nhìn nhận những cải thiện trong quan hệ Việt Mỹ trong suốt 20 năm qua trên nhiều lĩnh vực bao gồm vấn đề nhân quyền. Năm nay cũng là năm hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ với các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước dự kiến diễn ra trong năm nay. Tiến sĩ Swett cho rằng, song song với việc phát triển quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực, vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo nên được Hoa Kỳ nhấn mạnh trong quá trình này:


“Rõ ràng là Hoa Kỳ đang có mối quan hệ tiến triển với Việt nam trên nhiều lĩnh vực, nhưng tôi muốn nói rằng bản chất của sự phát triển quan hệ hai nước từ quan điểm của chúng tôi sẽ cho chính phủ và Tổng thống Hoa Kỳ nhiều cơ hội hơn để đề cập vấn đề tự do tôn giáo. Những nước nói chuyện với nhau không chỉ về những gì họ đồng ý với nhau mà cả những điều mà họ không đồng ý với nhau… nỗ lực của chúng tôi là để đảm bảo rằng trong các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước sắp tới, vấn đề về tự do tôn giáo sẽ được đề cập và không bị bỏ ra ngoài. Trong quan hệ với Việt Nam, dù là quan hệ này đang phát triển, chúng tôi muốn đảm bảo rằng vấn đề tự do tôn giáo phải được quan tâm, được đề cập tới và không bị bỏ vào một góc nhỏ.”


Dựa trên các phân tích về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, USCIRF năm nay tiếp tục đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Trước đó từ năm 2004 đến 2005, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách này nhung sau đó đã bỏ tên Việt Nam khỏi CPC vào năm 2006 vì những tiến bộ mà Việt Nam đạt được sau đó trong việc mở rộng sự bảo vệ đối với các nhóm tôn giáo và thả các tù nhân. Tuy nhiên, những năm sau, những tiến bộ này, theo USCIRF, đã không được Việt Nam duy trì. Vì vậy trong nhiều năm tiếp theo, USCIRF liên tục đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.


RFA


Việt Nam bị đề nghị trở lại danh sách cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo



Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam.



Việt Nam tiếp tục bị đề nghị trở lại danh sách cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo trên thế giới (CPC) vì các vi phạm nghiêm trọng tiếp diễn.


Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới (USCIRF) trong phúc trình thường niên 2015 công bố hôm 30/4 nêu rõ dù có một số tiến bộ, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục giới hạn chặt chẽ các sinh hoạt tôn giáo độc lập.


USCIRF đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt kê Việt Nam trở lại danh sách CPC , một động thái có thể dẫn tới các biện pháp chế tài từ Mỹ.


Báo cáo nói hiện có ít nhất từ 100-200 tù nhân lương tâm đang bị giam cầm tại Việt Nam, trong số này có những người bị tù tội chỉ vì hoạt động tôn giáo hoặc cổ súy cho tự do tôn giáo.


USCIRF cho biết các vi phạm về tự do tôn giáo không những tiếp diễn ở Việt Nam mà trong một số trường hợp thậm chí còn tệ hại đi.


Phúc trình tố cáo rằng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn dùng luật và các nghị định hành chính kiểm soát hoạt động tôn giáo và đàn áp các cá nhân hay tổ chức tôn giáo nào bị họ xem là mối đe dọa, trong đó có các tổ chức tôn giáo độc lập của Phật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Thiên Chúa giáo, và Tin lành.


Một nhà hoạt động cho nhân quyền và tự do tôn giáo Việt Nam được nhiều người biết tiếng ở hải ngoại, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, nhận xét về phúc trình 2015 của USCIRF về tình hình Việt Nam:


“Năm nay tôi thấy hầu hết các tôn giáo đều được nêu ra như Hồi giáo của người Chàm hay Bahai v..v..Trong trường hợp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được chú trọng rất nhiều ở hai điều: một là Đức Tăng thống Thích Quảng Độ bị quản thúc quá lâu và vấn đề sách nhiễu chư tăng ở Huế. Một điểm đặc biệt khác, phúc trình đưa ra đúng ngày 30/4 có ý nghĩa rất lớn nói lên tình trạng tang thương của tôn giáo Việt Nam trong t  ình trạng tang thương của Việt Nam.”


Nhà hoạt động cổ súy quyền tự do tôn giáo, mục sư Thân Văn Trường, tán đồng khuyến nghị của USCIRF cho rằng Việt Nam cần phải trở lại danh sách CPC để chịu áp lực buộc phải cải thiện:


“Rất cần thiết vì thực tế ở đây rất nhiều bạn bè chúng tôi còn đang ở trong tù như mục sư Dương Kim Khải, Nguyễn Công Chính, linh mục Nguyễn Văn Lý, vẫn không có gì thay đổi cả. Các nhóm, nhánh sinh hoạt tư gia vẫn còn bị bắt bớ, khó khăn. Việc huấn luyện thần học vẫn còn bị hạn chế. Máu của anh em chúng tôi vẫn còn phải đổ, anh em chúng tôi còn phải chịu khổ rât nhiều về niềm tin, đức tin tôn giáo của mình. Cho nên, tôi nghĩ Việt Nam rất đáng trở lại CPC để có biện pháp buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải cải thiện tình trạng tự do tôn giáo.”


Theo khuyến nghị của USCIRF, ngoài việc đưa Việt Nam vào danh sách CPC, chính phủ Hoa Kỳ cần tiếp tục thúc đẩy Hà Nội soạn thảo các điều luật mới đơn giản hóa các điều kiện đăng ký hoạt động tôn giáo, cho phép người dân được quyền chọn lựa đăng ký hay không, và bảo đảm rằng những ai không đăng ký vẫn được phép hoạt động tôn giáo hợp pháp và thỏa đáng.


Bên cạnh đó, vẫn theo đề nghị của USCIRF, Washington nên nhất quán và công khai nêu vấn đề nhân quyền với Hà Nội trong mọi cấp độ của mối quan hệ, kể cả trong các cuộc thảo luận song phương về quân sự, thượng mại, an ninh, và kinh tế.


USCIRF cũng kêu gọi chính phủ Mỹ bảo đảm rằng các cuộc đối thoại nhân quyền thường niên với Việt Nam dẫn tới các hành động và kết quả cụ thể liên quan đến nhân quyền và tự do tôn giáo và báo cáo Quốc hội tiến bộ trong các vấn đề này.


Kể từ năm 2001 tới nay, USCIRF hằng năm liên tục đề nghị liệt kê Việt Nam vào danh sách CPC.


Trong hai năm 2004, 2005, do đề xuất của Uỷ hội, Việt Nam bị Hoa Kỳ liệt vào danh sách CPC trước khi được rút tên ra vào cuối năm 2006.


Giữa bối cảnh quan hệ Việt-Mỹ hiện nay, liệu có khả năng Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ chấp thuận đề nghị của Ủy hội USCIRF hay không? Nhà hoạt động Võ Văn Ái nhận định:


“Đưa vào CPC sẽ thay đổi tình trạng tôn giáo tại Việt Nam. Tuy nhiên, có điều tôi lo lắng là hiện tình chính trị Đông Nam Á và Thái Bình Dương có thể làm vấn đề tôn giáo bị lu mờ. Nếu đó là sự thật thì sẽ rất tai hại cho trường hợp Việt Nam. Tất cả các tôn giáo trong nước có thể đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển và kiến thiết đất nước vì có tín đồ đông và có mạng lưới về y tế, từ thiện, xã hội, giáo dục…v..v.. Hơn nữa, chúng ta đang sống trong không khí bạo lực và khủng bố trên thế giới, yếu tố tôn giáo trong trường hợp Việt Nam sẽ đóng góp rất lớn về mặt xã hội. Nếu nhà nước Việt Nam có thể thấy được những điều đó, họ phải thay đổi. Tôi nghĩ bản thân chế độ Hà Nội không thể nào thay đổi chủ trương đối với tôn giáo. Điều này đòi hỏi áp lực quốc tế đặc biệt từ Hoa Kỳ. Nếu Mỹ có áp lực lớn để thay đổi chính sách tôn giáo tại Việt Nam thì điều này sẽ đóng góp rất lớn cho vấn đề phát triển của Việt Nam.”


USCIRF do Quốc hội Hoa Kỳ thành lập sau khi ban hành Sắc luật 1998 bảo vệ tự do tôn giáo trên thế giới. Đây là một tổ chức tham vấn độc lập cho chính phủ có nhiệm vụ giám sát tự do tôn giáo toàn cầu và đưa ra các khuyến nghị dựa trên những tiêu chuẩn trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.


Quan hệ Việt-Mỹ đã cải thiện đáng kể từ sau chiến tranh kết thúc năm 1975 nhưng vấn đề nhân quyền của Việt Nam vẫn tiếp tục là trở ngại cho mối bang giao gần gũi hơn giữa hai nước cựu thù.


Washington kêu gọi Hà Nội cần phải tiến bộ hơn nữa trong lĩnh vực nhân quyền.


Việt Nam lâu nay bác bỏ các chỉ trích về vi phạm tự do tôn giáo dù thừa nhận còn nhiều điều cần phải khắc phục.


Hà Nội mong các quan điểm khác biệt giữa hai nước Việt-Mỹ trong vấn đề nhân quyền sẽ dần dần được giải tỏa thông qua các cuộc đối thoại thẳng thắn và xây dựng.


Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam thời hậu chiến, Pete Peterson, trong cuộc phỏng vấn với VOA Việt ngữ đánh dấu 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, khẳng định nhân quyền Việt Nam là ‘vấn đề mà Mỹ sẽ không đơn thuần bỏ qua.’



VOA


USCIRF yêu cầu Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách CPC


WASHINGTON (NV).- Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) khuyến cáo chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam cùng 7 nước khác vào danh sách “Cần quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo vẫn bị giới hạn.


Đúng ngày 30/4/2015  Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) ở Hoa Thịnh Đốn công bố bản phúc trình thường niên về tự do tôn giáo trên thế giới và đưa ra các khuyến nghị với Bộ Ngoại Giao. Trong đó, kêu gọi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp tên Việt Nam vào danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt” thường được gọi tắt là CPC (Countries of Particular Concern).


Những nước được USCIRF khuyến nghị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa vào danh sách CPC năm nay gồm có Central African Republic, Egypt, Iraq, Nigeria, Pakistan, Syria, Tajikistan, và Việt Nam.


Trừ nước Central African Republic mới được đề nghị đưa vào danh sách CPC năm nay, 7 nước vừa kể gồm cả Việt Nam từng bị USCIRF đề nghị đưa vào danh sách CPC các năm trước vì tình trạng đàn áp tự do tôn giáo vẫn nghiêm trọng.


Việt Nam nằm trong danh sách CPC các năm 2004 và 2005 nhưng sang năm 2006 thì được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lấy ra nhân dịp tổng thống Mỹ George W. Bush đến Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh APEC và cho Việt Nam cơ hội gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO).


Từ đó đến nay, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn siết chặt sự kiểm soát các sinh hoạt tôn giáo của người dân kể cả việc đập phá các nơi thờ tự và bắt giữ, bỏ tù tín đồ và các nhà lãnh đạo tôn giáo. Lời tố cáo các hành động đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền đối với tất cả các đạo giáo tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau vẫn được đưa ra thường xuyên.


Dù vậy, nhà cầm quyền CSVN vẫn tuyên truyền là tôn trọng nhân quyền, quyền tự do tôn giáo của người dân.


Trong bản tường trình riêng về tự do tôn giáo tại Việt Nam từ trang 127 đến 131, năm nay USCIRF cáo buộc rằng “Nhà cầm quyền CSVN tiếp tục kiểm soát tất cả các hoạt động tôn giáo bằng các đạo luật và nghị định hành chính, giới hạn chặt chẽ sự hành đạo độc lập và đàn áp các cá nhân và tổ chức tôn giáo mà họ coi là thách đố nhà cầm quyền như Phật Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Công Giáo và Tin Lành” không nằm trong các tổ chức tôn giáo được nhà cầm quyền lập ra để lợi dụng tuyên truyền.


Bản tường trình 2015 của USCIRF nêu rất nhiều trường hợp cụ thể chứng minh cho hành động đàn áp tôn giáo của chế độ Hà Nội từ việc đàn áp chùa Liên Trì ở Sài Gòn; đạo Cao Đài ở Vĩnh Long; cấm đạo Công Giáo ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu; hành hung và ép người Thượng bỏ đạo Tin Lành; hành hung mục sư và tín đồ Tin Lành Mennonite ở Bình Dương, đàn áp dã man tín độ Phật Giáo Hòa Hảo ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp v.v…


Tuy Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa ra bản phúc trình nói có một số mặt tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam để không đưa Việt Nam vào danh sách CPC, nhưng cơ quan USCIRF thấy khác hẳn.


“Sự vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam vẫn tiếp diễn, mà trong một số trường hợp lại tồi tệ hơn trước.” Bản phúc trình của USCIRF viết.


USCIRF cảnh cáo rằng tình trạng đàn áp tự do tôn giáo đang tiếp diễn tại Việt Nam có thể trở nên tồi tệ hơn, thụt lùi về tự do tôn giáo khi mà các sự giám sát không được tiến hành. Vì vậy Ủy Hội kêu gọi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gia tăng các chuyến thăm viếng những nơi xa xôi hẻo lánh, duy trì các mối liên lạc thường xuyên với các cá nhân và tổ chức tôn giáo bị đàn áp.


Ủy Hội khuyến cáo chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục thảo luận với nhà cầm quyền CSVN để nước này sửa đổi luật về tự do tôn giáo, giản dị hóa không coi thủ tục hành chính về đăng ký hoạt động tôn giáo như điều kiện bắt buộc.


Cuối cùng, USCIRF kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ phải bảo đảm rằng các cuộc đối thoại về nhân quyền và tự do tôn giáo với Việt Nam dẫn đến các kết quả cụ thể về tự do tôn giáo, gồm cả việc trả tự do vô điều kiện cho tất cả các tù nhân lương tâm còn đang bị cầm tù chỉ vì người ta hành đạo ôn hòa.


Theo bản tường trình của USCIRF, hiện có giữa khoảng 100 tới 200 tù nhân lương tâm tại Việt Nam là các người bị kết án liên quan đến các hoạt động tôn giáo hoặc cổ võ tự do tôn giáo.


Người Việt



USCIRF tiếp tục đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC

No comments:

Post a Comment

Đại Họa Mất Nước