Test Post from Ký ức Tị nạn http://hanhtrinh.namviet.net
Saturday, 27 June 2015
Thursday, 25 June 2015
Làn sóng mới người tỵ nạn chính trị từ Việt Nam
Từ khi VN tiến hành cải cách về kinh tế vào năm 1986, cho dù nền kinh tế đã phần nào phát triển. Tuy vậy trước việc chính quyền VN tiếp tục, bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ và tôn giáo, thì đến nay vẫn có một làn sóng ngầm không ít những người đấu tranh tìm đường trốn khỏi VN để xin tỵ nạn vì lý do chính trị và tôn giáo.
Cuộc sống hiện nay của họ ra sao và những người này còn sẽ tiếp tục đấu tranh hay không?
Trong bài thứ nhất, Anh Vũ sẽ giới thiệu về chặng dừng chân đầu tiên của những người tỵ nạn này ở Thái lan và Campuchia.
…Buộc phải rời bỏ quê hương
Sau khi chiến tranh VN kết thúc, do sự sai lầm trong các chính sách chính trị và kinh tế của nhà cầm quyền cộng sản, đã dẫn đến một làn sóng người VN lên đến gần một triệu người bỏ nước ra đi để tìm kiếm cơ hội tỵ nạn ở nước ngoài.
Từ năm 1986, đảng CSVN phải thực hiện một cuộc cải cách kinh tế để thoát ra khỏi bờ vực phá sản. Đời sống kinh tế trong nước có khá hơn, cũng như sau đó các trại tỵ nạn của người Việt ở nhiều nơi trên thế giới bị đóng cửa, các nước không còn muốn nhận thuyền nhân nữa; khi đó cuộc khủng hoảng người tị nạn Việt nam tưởng như đã chấm dứt.
Tuy vậy ít người biết rằng từ đó đến nay, vẫn còn một làn sóng người Việt nam tị nạn chính trị mới. Nhiều người trong số họ buộc phải bỏ nước ra đi, mà các nước trong khu vực Đông Nam Á là chặng dừng chân đầu tiên của họ.
Theo số liệu thống kê, hiện tại ở Thái lan đang có khoảng 950 người tỵ nạn, tương tự ở Campuchia cũng có đến gần 200 người.
Nói về lý do khiến bản thân phải chạy sang Campuchia để tỵ nạn, ông Hồ Văn Chỉnh cho chúng tôi biết:
“Trước đây tôi ở tỉnh Vĩnh long, tôi đã bị chính quyền VN bắt cóc từ Campuchia đưa về VN bỏ tù. Sau khi tôi vượt ngục và trốn sang đây thì tôi bị kết án vắng mặt 17 năm, vì liên quan đến việc đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ và đòi đa nguyên, đa đảng.”
Anh Hoàng Đức Ái một nhà tranh đấu ở Nghệ An bị truy đuổi nên buộc phải bỏ nước ra đi đến Thái lan, anh nói:
“Lý do tôi phải đến Thái lan tỵ nạn là do tôi là 1 trong 8 người ở Nghệ An đã rải truyền đơn tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội.”
Thân phận tỵ nạn này còn dành cho những người sắc tộc H’mông, vì bị chính quyền đàn áp buộc họ phải từ bỏ tôn giáo mà họ tin theo. Một thầy truyền đạo người H’mông đang tỵ nạn ở Thái lan, yêu cầu được dấu danh tính cho chúng tôi biết. Ông nói:
“Quê quán của tôi ở VN là ở Lào cai, vì lý do ở VN tôi là một lãnh đạo tôn giáo, đã đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo cũng như tranh đấu chống việc chính quyền cướp đất của cộng đồng người H’mông chúng tôi.”
Khó khăn nơi “đất khách quê người”
Những khó khăn của những người bỏ nước ra đi tìm đường tỵ nạn ở nước ngoài khó mà kể hết, vì đối với họ tất cả đều mới lạ. Nói về những khó khăn hiện nay, anh Hoàng Đức Ái ghi nhận:
“Khó khăn thứ nhất là về công việc, mình không có việc làm. Thứ 2 là chính quyền Thái lan họ không cho mình nhập cư, nên nếu mình ra ngoài làm việc thì sợ họ bắt, vì nếu bị họ bắt thì chắc chắn sẽ nguy hiểm. Thứ 3 là vấn đề ngôn ngữ, vì không có ngôn ngữ thì rất khó khăn cho mình.”
Thầy truyền đạo người H’mông tiếp lời:
“Ở Thái lan này thì cuộc sống nói chung cũng có nhiều cái khó khăn lắm, một là mình phải cố gắng đi kiếm việc làm, song vì mình là người sống bất hợp pháp nên người thuê mình làm họ ép giá rất là thấp. Cũng vì Thái lan họ không ký cái Công ước Quốc tế năm 1951 để bảo vệ người tỵ nạn, vì thế chúng tôi sang lánh nạn ở đây thì sự nguy hiểm luôn thường trực 24/24.”
Những khó khăn thì chồng chất như vậy, song việc có được Cao ủy tỵ nạn LHQ (UNHCR) cứu xét để cấp quy chế tỵ nạn cho những người tỵ nạn hay không thì là cả một vấn đề lớn và cũng hết sức khó khăn. Anh Hoàng Đức Ái khẳng định:
“Hiện tại, tình hình những người tỵ nạn ở Trung Đông hay những người tỵ nạn ở VN cũng rất là nhiều, mà Cao ủy (tỵ nạn) ở đây thì làm việc hết sức chậm trễ. Cho nên các hồ sơ tỵ nạn sau này càng lâu hơn vì số người tỵ nạn ngày càng đông. Như lịch phỏng vấn của tôi cũng đã dời lại 2-3 lần, bây giờ cũng đã hết 1 năm rồi.”
Kể cả những trường hợp đã được chấp nhận cho hưởng quy chế tỵ nạn ở Campuchia, song quyết định đó cũng không có hiệu lực. Từ đó dẫn đến tình cảnh những người này vẫn phải sống một cuộc đời vô tổ quốc từ nhiều năm nay. Từ Campuchia, ông Hồ Văn Chỉnh nói với chúng tôi:
“Sau khi UN rút quân thì họ giao tôi lại cho phía Capuchia và họ cấp cho tôi một cái giấy do Phó Thủ tướng ký, nhưng cái giấy này không có hiệu lực gì hết. Bây giờ thì họ khong công nhận, mà họ chỉ công nhận giấy nhập tịch thôi. Do đó hiện tại cuộc sống của chúng tôi cũng hết sức khó khăn và ở Campuchia bây giờ chúng tôi không có tương lai gì hết.”
Tuy nhiên, ở miền đất mới đa số những người tỵ nạn vẫn không từ bỏ công việc đấu tranh của mình, họ vẫn tiếp tục tham gia công việc đấu tranh trong điều kiện có thể. Anh Hoàng Đức Ái bày tỏ:
“Đối với những người tỵ nạn như tôi hay một số người bạn ở đây, hàng ngày vẫn theo dõi tình hình ở VN để tiếp tục đồng hành đấu tranh với những người đấu tranh trong nước. Đặc biệt là đối với các bạn trẻ, bằng những bài viết trên các trang blog.”
Thầy truyền đạo người H’mông cho chúng tôi biết hiện tại số người H’mông tỵ nạn về vấn đề tôn giáo ở Thái lan có khoảng 350 người và ông vẫn tiếp tục đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho bà con sắc tộc H’mông ở trong nước. Ông nói:
“Tôi vẫn tiếp tục hoạt động về niềm tin tôn giáo ở đây. Trước tình hình cộng sản VN đã ngăn cấm không cho đồng bào hoạt động tôn giáo tự do theo ý muốn của người dân thì tôi cũng tìm hiểu các thông tin về vấn đề này để viết các báo cáo để cho các tổ chức Nhân quyền biết, để lên tiếng bảo vệ đồng bào H’mông của chúng tôi.”
Về nguyện vọng chung của những người tỵ nạn hầu như cũng giống nhau, tất cả đều mong nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt nam ở khắp nơi trên thế giới và mong muốn nhanh chóng được đi định cư ở nước thứ 3. Ông Hồ Văn Chỉnh cho biết:
“Bây giờ cộng đồng thế giới hãy lên tiếng để giúp chúng tôi được đi định cư ở nước thứ 3, vì chỉ có thế chúng tôi mới có tương lai cho con cái sau này. Cho đến giờ tôi đã tỵ nạn ở đây 15 năm rồi, mà họ không cho chúng tôi nhập tịch gì hết. Chẳng biết tương lai của chúng tôi sẽ ra sao nữa.”
Được biết không phải chỉ có ở các nước Đông Nam Á, nhất là Thái lan mới có những người VN tỵ nạn về các lý do chính trị và tôn giáo. Tại một số quốc gia thuộc các châu lục khác hiện nay cũng có người tỵ nạn Việt Nam.
Trong bài sau, mời quý vị đón nghe phần tường trình của thông tín viên Tường An từ Paris, về cuộc sống của những người tỵ nạn đến từ VN ở Âu châu và Úc châu.
Sau khi chiến tranh VN kết thúc, đã có một làn sóng đông đảo người VN lên đến gần một triệu người bỏ nước ra đi để tìm kiếm cơ hội tỵ nạn ở nước ngoài vì các lý do chính trị và kinh tế. Và từ khi VN tiến hành cải cách về kinh tế vào năm 1986, cho dù nền kinh tế đã phần nào phát triển, tuy vậy sau gần 30 năm, trước việc chính quyền VN độc đoán và bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ, thì hiện tại vẫn có một làn sóng ngầm của không ít những người VN tìm đường trốn khỏi VN để xin tỵ nạn vì lý do chính trị hoặc vì những lý do khác.
Vậy, họ ra đi vì lý do gì, cuộc sống hiện nay của họ ra sao và họ sẽ tiếp tục đấu tranh hay không?
Trong bài thứ nhất, Anh Vũ đã giới thiệu về chặng dừng chân đầu tiên của những người tỵ nạn này ở Thái lan và Campuchia. Trong bài này, Tường An sẽ gửi đến quý thính giả tâm tình của những người đã chọn Âu Châu và Úc làm nơi chốn định cư.
Cuộc đào thoát bằng thuyền để trốn khỏi chế độ độc tài Cộng sản 40 năm trước, nay vẫn tiếp diễn, với một hình thức khác, bằng những con đường khác. Nếu như những người tị nạn ở Thái Lan đa số vượt thoát bằng đường bộ qua ngã Campuchia thì Ở Âu Châu, người tị nạn chỉ có một con đường duy nhất bằng ngã hàng không.
Âu Châu
Cách đây 2 năm dư luận trong và ngoài nước xôn xao khi ông Đặng Xương Hùng, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Thuỵ sĩ đã tuyến bố xin tị nạn chính trị ngày 18/10/2013 tại phi trường Charles de Gaulle của Pháp. Lý do mà ông Đăng Xương Hùng quyết định từ bỏ Việt Nam là do bất mãn với chế độ Cộng sản, khi thấy nhà cầm quyền vẫn cương quyết bỏ ngoài tai những kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, trưng cầu dân ý cho phù hợp với xu thế phát triển mạnh mẽ của xã hội và của thế giới của nhiều đảng viên cũng như những người quan tâm đến đất nước. Trước những góp ý đó, đảng cộng sản Việt nam vẫn kiến quyết giữ điều 4 Hiến Pháp, kiên trì chủ nghĩ Mac-Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh. Do vậy, ông Đặng Xương Hùng quyết định dứt khoát với 26 năm tuổi đảng để phản đối lại chính sách của một nhà cầm quyền, mà theo ông, đang đưa đất nước đến 1 tương lai vô định, ông nói :
« Tôi là người trong cuộc, thuộc chính quyền và được hưởng những lợi ích của chính quyền ban cho, do đó trong tôi luôn luôn nuôi một hy vọng một ngày nào đó, đảng Cộng sản Việt Nam cũng sẽ thay đổi thôi. Thế mà những năm tháng kéo dài, tôi hết thất vọng này đến thất vọng khác thì tôi mới thấy rằng đảng Cộng sản không hề muốn thay đổi, đảng Cộng sản Việt Nam vẫn quyết tâm giữ điều 4, họ vẫn muốn nắm quyền lực, nắm độc quyền của đảng Cộng sản Việt Nam để chi phối toàn bộ đất nước cũng như dân tộc Việt Nam, do đó tôi đã quyết định ly khai và quyết định xin tị nạn »
Một người đối kháng khác cũng rất nổi tiếng với những bài viết vạch trần chế độ Cộng sản là nhà văn Dương Thu Hương. Năm 1994 bà đã từ chối cơ hội để xin tị nạn chính trị. Đến Pháp lần thứ nhì, năm 2006 bà bắt buộc phải ở lại Pháp trong một hoàn cảnh ngẫu nhiên. Nhà văn đối kháng Dương Thu Hương cho biết đã phải ở lại Pháp trong hoàn cảnh nào :
« Tôi không phải là người tị nạn như những người tị nạn bình thường khác. Năm 1994, khi chính phủ Mitterrand tồn tại, bà Danielle Mitterrand có đề nghị tôi ở lại tị nạn chính trị dưới sự bảo trợ và giúp đỡ của nước Pháp, lúc đó tôi có cảm ơn bà, nhưng mà tôi phải quay về. Cái nhóm của tôi toàn những người già thôi, tôi 50 tuổi vẫn được coi là trẻ nhất. Nhưng năm 2006 thì đã có một nhóm người khác trẻ hơn tôi nhiều lãnh đạo cuộc đấu tranh.Và vì vậy, tôi chủ ý đi ra nước ngoài để lao động cái phần của riêng tôi : văn học và một cuốn sách viết về lịch sử chiến tranh. Tôi không có dự định ở lại Pháp, nhưng năm 2007, trong một cuộc đi chơi ở Marseille tôi đã bị cướp giật hết giấy tờ. Sứ quán Việt Nam tìm thấy một cơ hội tuyệt vời để trả thù tôi nên dứt khoát không cấp lại visa và 3 năm trời tôi sống ở Paris như một con gián ngày, không dám đi đâu vì ở trong tình trạng không giấy tờ, sans papier. Mãi đến 2010, tôi mới lấy được một cái giấy của người lao động. Vì lý do đó, hoàn toàn do những sự ngẫu nhiên mà tôi ở lại nước Pháp »
Úc Châu
Xa hơn nữa, tại miền Nam Bán Cầu, một lớp sóng thuyền nhân mới cũng đã vượt thoát khỏi Việt Nam để tìm tự do. Từ Sydney, Úc châu. Anh Nguyễn Mười cho biết lý do anh phải rời khỏi Việt Nam :
« Từ năm 1999-2000 em là phụ tá cho Cha Lý, khi Cha bị bắt em cũng có nhiều rắc rối với chính quyền, họ thường xuyên canh trước nhà của em, họ cản trở mọi công việc của em, nên em không thể sống được, nên em phải tìm cách rời Việt Nam để em đi vượt biên »
Do tinh hình kinh tế khó khăn chung của thế giới, các quốc gia không còn mở rộng vòng tay đón nhận người tị nạn như 40 năm về trước. Đối diện với những thủ tục hành chánh nhiêu khê là trở ngại lớn nhất trên con đường hội nhập của những người tị nạn sau này.
Nguyên là Tổng lãnh sự Việt Nam tại Thuỵ Sĩ nhiệm kỳ 2008-2012, Sau khi chấm dút nhiệm kỳ ông Đặng Xương Hùng về nước, 1 năm sau, ông trở lại Âu châu, chính thức xin tị nạn tại Thuỵ Sĩ ngày 28/10/2013. Gia đình ông đã có giấy cư trú. Cũng như bao hoàn cảnh tị nạn khác, gia đình ông cũng quen dần với cuộc sống nhập cư. Mặc dù với ít nhiều khó khăn trong buổi giao thời, ông vẫn từ chối nhận trợ cấp xã hội để không trở thành một gánh nặng cho chính quyền Thuỵ Sĩ, ông kể tiếp :
« Hiện nay thì vợ tôi đang đi làm. Còn tôi thì với cái kiến thức cũng như trình độ của mình, trong một chừng mực nào đó, thì tôi cũng chưa có một công viêc tương đối phù hợ với vị trí của mình. Dẫu sao thì tôi cũng ở ngay tại nơi mà tôi từng làm lãnh sự do đó tôi cũng vẫn còn lưỡng lự trong việc chọn công việc. Tôi cũng đang nghĩ trong vấn đề phải đào tạo lại để tìm được một công việc của tôi »
Với nhà văn Dương Thu Hương thì sự thay đổi không quá lớn lao, công việc hàng ngày của bà vẫn là sử dụng ngòi bút cho văn chương và góp phần vào sự thay đổi chế độ, bà nói :
« Công việc viết lách tôi cho đó là một phần ích kỷ của tôi, bởi vì nó không liên quan gì vào cuộc tranh đấu của tôi cả, cho nên tôi cũng viết với đầy háo hức nhưng cũng đầy mặc cảm trong khi đó thì các đồng chí của tôi phải đấu tranh. Tuy nhiên, văn chương nó là cái hướng thoát cho tâm hồn đau khổ của tôi và cũng là niềm sung sướng nữa, bỡi vì nếu thành công thì nó cũng là một phần thưởng mà tôi cảm thấy xứng đáng. Tôi không viết hàng ngày, bỡi vì hàng ngày tôi cũng còn phải viết báo và làm những chuyện khác. Từ khi tôi ở đây thì trung bình cứ 3 năm tôi ra một quyển sách. Thế thôi ! đơn giản… »
Từ Việt Nam đi đường bộ đến Lào, vượt biên giới qua Thái Lan, từ Thái Lan dùng thuyền đến Christmas island ngày 28/10/2012 sau đó vào trại định cư ở Darwin và giờ đây tạm cư ở Sydney. Sau gần 3 năm trên nước Úc, tương lai anh Nguyễn Mười cũng như phần lớn những người tị nạn khác vẫn còn bấp bênh do chính sách cứng rắn của chính quyền đương nhiệm. Anh cho biết :
« Tình trạng của tụi em giờ cũng nằm trong sự chờ đợi thôi chứ tụi em cũng chưa biết như thế nào. Hồ sơ của em thì hiện tại cũng chưa được phép nộp giấy tờ để xin tị nạn và họ cũng chẳng có cho tụi em đi làm, chỉ cấp visa tạm thời 1 năm rồi họ xét tiếp »
Hầu hết những người tị nạn này đã ra đi vì không chấp nhận chế độ Cộng sản, ra đi để có thể tiếp tục cuộc đấu tranh ở một không gian khác. Nhưng, có những người hoàn toàn im lặng sau khi đã ổn định cuộc sống, có những người vẫn tiếp tục đấu tranh.
Ông Đặng Xương Hùng tuyên bố trước các cơ quan tị nạn, vai trò mới của ông sẽ là cầu nối giữa người dân Việt Nam và Quốc tế để xé tan bức màn bưng bít thông tin của Cộng sản Việt Nam, ông nói :
« Sự cai trị của đảng Cộng sản Việt Nam có những hình thái hết sức đặc biệt mà quốc tế cũng cần phải lưu ý, đó là sự bưng bít giữa trong và ngoài. Người nước ngoài không biết tình hình đang diễn ra trong nước ra sao ? nhân dân Việt Nam đang sống như thế nào ? Cũng như là người dân Việt Nam không biết được những gì đang xảy ra ở thế giới văn minh bên ngoài. Tuy có những cải thiện nhưng nó cũng vẫn còn rất là hạn chế. Do đó tôi cũng nói với họ là tôi sẽ làm cầu nối giữa bên trong và bên ngoài, cho nên tôi đã tham gia những tổ chức mà có những tiêu chí đưa tình hình Việt Nam cho thế giới bên ngoài biết và đấu tranh để phấn đấu cho một nước Việt Nam có bầu cử tự do, có dân chủ , có nhân quyền, có văn minh để hoà nhập với cộng đồng quốc tế »
Từ Pháp, nhà văn Dương Thu Hương vẫn tiếp tục dùng ngòi bút của mình để đấu tranh, và dù ở cách Việt Nam gần nửa vòng trái đất, bà vẫn còn nguyện vẹn một trái tim cho quê hương cũng như vẫn còn gắn kết chặt chẽ với những đồng đội trong nước , bà nói :
« Tôi luôn luôn là người trung thành với nhóm của tôi. Là nhóm chủ trương chiến đấu đến cùng với chế độ Cộng sản, nhưng vì tôi già hơn các cậu ấy nên tôi được quyền ra nước ngoài để làm một phần việc của tôi là văn chương. Thế nhưng mà khi tôi chưa chết và chưa lẫn lộn quá thì tôi vẫn tiếp tục giúp đỡ cho những đàn em và đồng chí của tôi. Có một thời gian tôi đã gác bút, bỡi vì có một sự nhầm lẫn trong một bài báo năm 2010. Nhưng sau đó, những người đàn em của tôi đã yêu cầu tôi phải quay lại chiến đấu cùng với họ, thì tôi lại lấy lại ngòi bút của tôi dưới cái tên Sơn Diệu Mai. Và bây giờ tôi nhận thấy rằng không thể từ bỏ cuộc tranh đấu để (mặc) cho các đồng đội của mình được Các cậu có việc của các cậu ấy, tôi có việc của tôi »
Dù vẫn còn rất hoang mang về số phận của mình trên miền đất mới, anh Nguyễn Mười cũng tiếp tục cuộc đấu tranh cho những tù nhân lương tâm khác bằng hình thức biểu tình hay ký kiến nghị mà giờ đây anh không còn phải sợ bất cứ một đe doạ nào. Anh cho biết :
« Từ lúc em đặt chân đến Úc đây, em được tự do ra ngoài thì những lúc biểu tình trên Canberra, vận động chữ ký , không chỉ riêng gì Cha Lý mà những người tù nhân lương tâm khác như Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, anh Dũng ở Nghệ An…em vẫn tham gia trong những chương trình vận động để áp lực nhà nước Việt Nam để họ thả những người đấu tranh cho Tự do Dân chủ cho Việt Nam »
Cuộc đổi đời nào không có những khó khăn ban đầu ? Việc chọn một đất nước không phải là quê hương của mình để có cơ hội tiếp tục cuộc đấu tranh, với nhiều người không phải là một chọn lựa dễ dàng.
Qua hai bài vừa qua, Anh Vũ và Tường An đã tường trình câu chuyện của những người tị nạn ở Á Châu, Âu châu và Úc châu. Trong phần cuối của loạt bài này, phóng viên Kính Hoà sẽ tường trình về con người và cuộc sống của những người tị nạn chính trị ở Hoa Kỳ và Canada.
Từ khi VN tiến hành cải cách về kinh tế vào năm 1986, cho dù nền kinh tế đã phần nào phát triển. Tuy vậy trước việc chính quyền VN tiếp tục, bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ và tôn giáo, thì đến nay vẫn có một làn sóng ngầm không ít những người đấu tranh tìm đường trốn khỏi VN để xin tỵ nạn vì lý do chính trị và tôn giáo.
Trong phần một và hai thông tín viên Anh Vũ tại Bangkok và Tường An từ Paris đã đến với các bạn câu chuyện nơi dừng chân Thái Lan và những người tị nạn tại châu Âu và Úc. Trong phần cuối này là câu chuyện tại Bắc Mỹ của Kính Hòa từ Washington.
Triệt đường sống
Năm 2008 xảy ra vụ án Thái Hà, trong đó có việc tranh chấp tài sản đất đai giữa giáo hội công giáo và chính quyền Việt nam. Luật sư Lê Trần Luật là người đại diện cho Giáo hội công giáo. Sau phiên tòa, cơ quan an ninh đã gặp ông Luật và khuyên ông không nên theo đuổi những vụ án chính trị. Sau đó ông Luật bị cho là đã lợi dụng phiên tòa để tuyên truyền chống phá nhà nước.
Người ta đã tước bằng luật sư của ông Luật, và ông thường xuyên bị cơ quan công an mời làm việc. Theo ông nhớ lại thì trong khoảng thời gian 7 năm ông phải gặp cơ quan an ninh đến hơn 300 lần. Khi bị buộc phải chấm dứt hành nghề luật sư và cũng không tìm được việc làm nào khác, ông Luật lâm vào tình trạng rất khốn khó.
Khi biết được tình trạng này, cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ đề nghị rằng ông có thể xin đi tị nạn chính trị. Đứng trước tương lai không sáng sửa của gia đình và bản thân ông Luật chấp nhận xin đi cứ trú chính trị tại Mỹ.
Năm 2007 blogger Uyên Vũ và những người đồng chí hướng sáng lập câu lạc bộ nhà báo tự do với mong muốn cổ võ cho tự do ngôn luận. Lặp tức ông và những người khác rơi vào tầm ngắm của cơ quan an ninh. Cuộc sống của hai vợ chồng blogger Uyên Vũ cũng bắt đầu rơi vào tình trạng như luật sư Lê Trần Luật. Ông Vũ kể lại:
“Chúng tôi gặp vô vàn khó khăn, tôi bị áp lực đến nỗi phải bỏ việc, ông giám đốc bị hăm dọa và không dám cho tôi tiếp tục làm việc nữa. Tôi cố gắng tìm một công việc nhưng không tìm được một công việc nào khác. Gia đình của chúng tôi là cha mẹ, anh chị thì cũng nhận những lời đe dọa của công an.”
Ông Uyên Vũ không còn con đường nào khác là quyết định xin đi tị nạn chính trị. Sau nhiều khó khăn ngăn trở từ phía nhà nước Việt nam ông đến Hoa Kỳ vào năm 2014 và hiện sống tại San Diego, California.
Chuyện ra đi của ông Luật cũng không được dễ dàng. Cơ quan an ninh tìm nhiều biện pháp để xóa bỏ một hình ảnh tù chính trị và họ thường xuyên tuyên bố rằng ở Việt nam không có đàn áp chính trị. Ông Luật kể lại:
“Họ nói là nếu mà tôi muốn đi Mỹ thì họ sẽ tạo điều kiện cho tôi đi, bằng cách là họ cấp hộ chiếu và để tôi lên sân bay thoãi mái, với điều kiện là tôi muốn đi Mỹ chứ không phải tôi bị đàn áp về mặt chính trị.”
Ông Luật từ chối điều này. Cuối cùng thì cơ quan an ninh Việt nam cũng cấp hộ chiếu và để gia đình ông lên đường sang Mỹ với lời nhắn gửi là đừng hoạt động gì ảnh hưởng tới hình ảnh của nhà nước Việt nam nếu muốn trở lại Việt nam sau này.
Để đối phó với những người mang quan điểm chính trị khác biệt, nhà cầm quyền Việt nam đã huy động một bộ máy an ninh khổng lồ. Ông Luật kể lại câu chuyện cơ quan an ninh điều tra nhân thân ông:
“Có những chuyện lâu rồi trong cuộc đời mình cách 10 hay 15 năm gì đó, mình đã quên, mà họ nhắc lại, chứng tỏ họ tìm hiểu về mình rất kỹ, họ có thể về cả quê nội quê ngoại của mình, để tìm hiểu cái động cơ mục đích, cũng như lý lịch của mình. Họ có thể bỏ ra hàng giờ hàng ngày để tiếp cận với bạn bè cũ, hồi học tiểu học, trung học của mình để tìm hiểu về cá tính, sở thích của mình.”
Ông Luật hiện sống tại thành phố Portland, tiểu bang Oregon.
Vượt biên
Có những người tị nạn chính trị khác không thể lên máy bay từ Việt nam, họ phải chọn con đường vượt biên trái phép sang Campuchia, rồi Thái Lan, rồi từ đây họ được chấp nhận qui chế tị nạn để sang Bắc Mỹ.
Anh Đặng Chí Hùng hiện sống tại Toronto, Canada là một trong số những người như vậy. Anh Hùng sinh ra trong một gia đình cả cha mẹ đều là đảng viên cộng sản. Tuy vậy anh có một nguyên nhân khá lý thú đã thúc đẩy anh trở thành một nhân vật bất đồng chính kiến với chế độ cộng sản. Điều này nằm ngay trong những thông tin tuyên truyền về sự vĩ đại của ông Hồ Chí Minh, và sự phủ nhận nền âm nhạc của miền Nam Việt nam trước năm 1975. Anh Hùng đặt ra câu hỏi là tại sao một nhân vật như vậy lại được hết lời ca ngợi, và một nền âm nhạc như vậy lại bị chế độ hắt hủi.
Nhưng sự kiện quan trọng làm cho anh Hùng có một quyết định chính trị chống lại chủ nghĩa cộng sản là những cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm lược bị đàn áp. Anh kể lại:
“Khi Mỹ chuẩn bị đánh Iraq thì cộng sản Việt nam bắt bọn tôi phải xuống đường đi biểu tình chống Mỹ, nếu không đi biểu tình chống Mỹ thì sẽ trừ hạnh kiểm. Thật là kỳ lạ là tại sao Iraq thì lại biểu tình, còn người dân Việt nam mình bị Tàu giết thì không được đi biểu tình.”
Một người tù chính trị trẻ tuổi khác là anh Trương Quốc Huy. Anh Huy bị bắt giam sáu năm vì những bài viết bày tỏ chính kiến chính trị, cũng như tố cáo sự nhũng lạm của các quan chức địa phương. Anh kể lại hoàn cảnh của mình sau khi ra tù vào năm 2011:
“Tôi ra khỏi tù thì họ không cấp giấy chứng minh nhân dân cho tôi, luôn kềm kẹp phía trước nhà tôi. Tôi không đi làm được vì không có giấy tờ, họ kéo dài cái tình trạng đó rất lâu. Mà khi ra tù thì tôi cũng cần phải sinh sống.”
Anh Trương Quốc Huy, cũng như anh Đặng Chí Hùng đã chọn con đường đào thoát sang Thái Lan. Ở đây họ bị chính quyền Thái bắt giam theo yêu cầu từ phía Việt nam. Ngoài ra Hà nội cũng yêu cầu Thái Lan trục xuất họ về Việt nam. Tuy nhiên với sự giúp đỡ của các tổ chức nhân quyền cũng như là Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc, chính quyền Thái lan đã phải cân nhắc và cuối cùng trả tự do cho họ để lên đường đi tị nạn chính trị.
Cuộc sống và quê hương
Cuộc sống của những người tị nạn chính trị mới tại Bắc Mỹ được nhìn nhận với những góc độ vui buồn khác nhau. Anh Trương Quốc Huy, ông Uyên Vũ thấy rằng mình hòa hợp với cuộc sống mới khá dễ dàng. Một người tị nạn chính trị trẻ tuổi là anh Nguyễn Xuân Thủy, đến Mỹ tháng 6/2015 cũng bằng con đường vượt biên sang Thái Lan kể với chúng tôi ấn tượng của anh về cuộc sống mới từ Houston:
“Nó làm cho mình có cảm giác rằng tự do và khoáng đạt. Con người mình không bị để ý bị xoi mói nhiều, không bị đàn áp, tất nhiên là không bị công an đến nhà (cười.) Cảm thấy rất thoãi mái ở bên này.”
Luật sư Lê Trần Luật hiện đang làm việc tại một nhà máy ở Portland nói rằng:
“Anh cứ tưởng tượng khi một người tị nạn đến Hoa kỳ hay bất cứ một đất nước nào, thì họ giống như người mới sinh ra, tức là công việc làm thì không có, xe cộ thì không biết đi, đường sá cũng không biết, ngôn ngữ không nói được, cũng không nghe được.”
Tuy nhiên cái nhìn của họ về quê hương đã bỏ lại sau lưng khá giống nhau. Ông Uyên Vũ nói rằng không biết bao giờ ông mới trở về Việt nam trong căn cước của một người tị nạn chính trị, nhưng khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ ở Việt nam làm ông cứ mang hình ảnh Việt nam trong tâm khảm ngay trong cuộc sống hiện nay tại miền Nam California.
Anh Trương Quốc Huy rất xúc động khi được hỏi về Việt nam:
“Cái điều bất hạnh nhất là khi chúng ta không còn được sống trên quê hương chúng ta, nơi chôn nhao cắt rốn của mình. Quê hương nó luôn nằm trong lòng của mình, thành ra khi ình sống bên này thì điều kiện có thể tốt hơn khá hơn, nhưng nó không bao giờ bằng đất nước của mình quê hương của mình hết.”
Họ đều mong muốn sẽ quay về.
Anh Nguyễn Xuân Thủy, hiện đang chuẩn bị học đại học tại Texas nói:
“Mình không thể quay mặt đi được, mình không thể làm ngơ được, cái đó là cái nghĩa vụ, cái trách nhiệm tôi nghĩ là của tôi. Tôi chắc chắn là sẽ quay về, được như thế nào thì tùy ở sức lực của mình.”
Anh Đặng Chí Hùng thì nói là anh không phải là một nhà hoạt động chính trị, anh sẽ tìm kiếm một nghề để kiếm sống, nhưng hoạt động nhằm thay đổi Việt nam là một hoạt động đương nhiên mà mọi người như anh phải làm.
Còn cựu luật sư Lê Trần Luật nói khi kết thúc cuộc trao đổi với chúng tôi rằng ông mong về Việt nam càng sớm càng tốt. Ông mong rằng Việt nam phải đổi thay để có thể đón tất cả những người tị nạn chính trị trở về với đất mẹ.
Làn sóng mới người tỵ nạn chính trị từ Việt Nam
Wednesday, 13 May 2015
Dân ngu hay ngu dân?
Những người tranh đấu đòi thiết lập chế độ dân chủ đồng ý với nhau một điều: Tốt nhất là để dân chúng chọn người cai trị. Suy nghĩ như vậy là đặt niềm tin trên óc phán đoán của người dân; họ có khả năng lựa chọn đúng. Nếu họ chọn sai thì rán mà chịu những hậu quả. Một thứ bảo đảm cho người dân, là nếu họ lỡ dại, chọn sai, thì sau đó hai, ba năm, nhiều nhất là năm, bảy năm, họ có quyền thay đổi.
Nhưng nếu dân chúng cứ sai lầm mãi thì sao? Chế độ dân chủ đặt trên niềm tin rằng, “Lâu lâu anh có thể đánh lừa tất cả mọi người; anh cũng có thể đánh lừa một số người mãi mãi; nhưng anh không thể đánh lừa tất cả mọi người mãi mãi được.” Abraham Lincoln nói như vậy, trong lúc đang tranh cử năm 1856. Những chế độ độc tài xảo quyệt nhất cũng có ngày bị lật mặt nạ.
Không phải ai cũng chia sẻ niềm tin này. Nhiều người không tin vào khả năng suy nghĩ của dân chúng. Niccolo Machiavelli (1469-1527) chẳng hạn. Trong cuốn Il Principe (Phan Huy Chiêm dịch sang tiếng Việt tựa là Quân Vương), ông nhận xét: “Dân rất cả tin và cũng rất mau quên.” Cho nên ông khuyên các vương hầu nên làm cho dân sợ, hơn là chờ được dân yêu. Trước Machiavelli hơn 17 thế kỷ, Hàn Phi Tử (Han Feizi, 韓非子,ca. 280–233 TCN) ở Trung Hoa còn nói toẹt ra rằng dân chúng là con nít. Trong chương 50, Hàn Phi viết: “Cái trí của dân không thể dùng được, nó giống như bụng dạ trẻ con vậy.” (Dân trí chi bất khả dụng, do anh nhi chi tâm dã – chương Hiển Học; 民智 之不可用,猶嬰兒之心也 – 顯學).
Tất nhiên các chế độ độc tài đồng ý với Hàn Phi Tử và Machiavelli. Ðể duy trì ách chuyên chế họ thường nêu ra một lý do là “dân trí còn thấp quá.” Nói cách khác, dân ngu, dân là đám trẻ con chưa đủ lớn khôn, không có khả năng chọn lựa cho chính mình. Chỉ có đảng là thông minh cho nên đảng phải quyết định mọi việc cho chúng nó được nhờ. Họ viết vào Hiến Pháp, điều số 4: “Ðảng lãnh đạo nhà nước và xã hội.” Thế đến bao giờ dân trí mới đủ cao để khỏi bị đảng “lãnh đạo?” Họ không nói. Ðến cái mục tiêu tối hậu của họ là tiến lên Chủ nghĩa Xã hội họ cũng chưa biết nó ra thế nào, thế mà vẫn nhắm mắt chạy tới và bắt cả nước chạy theo hết hơi! Chính họ chưa đủ khôn lớn, làm sao họ biết bao giờ dân mới hết ngu?
Các nhà chính trị không bao giờ tuyên giảng lý thuyết Dân Ngu này cả. Bởi vì không thể nói thẳng cho dân biết họ nghĩ gì khi còn muốn lợi dụng cái ngu của dân. Trái lại, họ nịnh nọt, vuốt ve dân, cho dân ăn đủ thứ bánh vẽ. Các bạo chúa chỉ cần áp dụng lý thuyết Dân Ngu bằng cách khích động bản năng và tình tự của con người. Những bản năng bình thường nhất như sợ đói, sợ đánh đập, sợ tra tấn, khiến dân phải vâng lời bạo chúa. Những tình cảm cao quý nhất, như lòng yêu nước, tình thương người đồng loại, thì được khích động để dân hy sinh cho các lãnh tụ hưởng.
Nhà văn Mikhail Shishkin mới viết một bài, dịch đăng trên The New York Times ngày 8 Tháng Năm năm 2015, cho thấy các bạo chúa Nga lợi dụng cái ngu của dân như thế nào. Ông kể chuyện thân phụ ông tình nguyện đầu quân năm 18 tuổi, tham gia cuộc chiến bảo vệ “Tổ Quốc Nga” chống Ðức Quốc Xã. Người con vẫn hãnh diện đem khoe bức hình chiếc tầu ngầm bố mình đã phục vụ. Mỗi năm đến ngày 9 Tháng Năm, ông cụ lại mặc quân phục, đeo đủ các huy chương, đó là ngày nước Nga kỷ niệm Ðại Chiến Thắng. Người lính đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Nhưng ông cũng bảo vệ một chế độ đã bắt cha mình (ông nội tác giả) cho đi đày mút mùa, chết tối tăm trong một trại “học tập cải tạo gulag.” Cụ đã góp tay vào cuộc chiến thắng, kết quả là bạo chúa có thể kéo dài chế độ nô lệ hóa dân chúng lâu hơn. Cuối đời, cũng như các bạn đồng ngũ khác, cụ chỉ uống rượu tiêu sầu. Vào những năm 1980, khi nước Nga đói, đám cựu chiến binh như ông cụ nhận được những gói quà cứu trợ. Trong đó họ thấy những thực phẩm do dân Ðức gửi tặng. Ðối với ông cụ, đó là một sỉ nhục. Ông uống say khướt, hỏi: “Nhưng chúng ta thắng trận kia mà?” Ông bật khóc, tiếp tục hỏi mà không cần ai nghe: “Này, có phải mình thắng trận không? Hay mình thua trận?”
Năm nay, Mikhail Shishkin nhận định: Ðức Quốc Xã bại trận, dân Ðức đã thắng. Họ chứng tỏ cho ai cũng thấy một dân tộc có thể đứng dậy, sống như những con người, không còn bị chiến tranh làm cho mê muội nữa. Ngược lại, ở nước Nga, trong Ngày Chiến Thắng họ không nhắc tới khát vọng hòa bình và tưởng niệm các nạn nhân. Ông Putin đem biểu diễn các vụ khí mới, khích động dân Nga bằng tình yêu nước, để đe dọa Ukraine. Shishkin kết luận: “Các lãnh tụ Nga đã ăn cắp dầu lửa của dân, ăn cắp những cuộc bầu cử, ăn cắp đất nước, và ăn cắp chiến thắng của dân.” Năm nay, ông mới trả lời cho cha mình: “Bố ơi, chúng ta đã thua trận!”
Tại sao một dân tộc chiến đấu dũng mãnh, chịu bao nhiêu đau khổ, thắng kẻ địch trên chiến trường mà lại thua trận trong thời bình, ngay trên đất nước của mình?
Machiavelli và Hàn Phi Tử sẽ nhún vai trả lời: Chúng tôi đã nói mà. Dân chúng đời nào cũng chỉ là một đám con nít!
Nhưng chúng ta có thể hỏi ngược lại Hàn Phi Tử và Machiavelli một câu: Dân chúng là con nít, nhưng thưa các cụ, năm 1989 dân Ðông Ðức đã phá bức tường Berlin, dân Nga năm 1991 cũng xóa bỏ chế độ Cộng Sản rồi. Trong nháy mắt lịch sử lật sang một trang mới, mỗi biến cố diễn ra chỉ trong một đêm. Tại sao dân chúng có thể làm được như vậy?
Câu trả lời, là thông tin. Dân Ðông Ðức vẫn lén lút coi đài truyền hình Tây Ðức bao nhiêu năm. Chỉ nhìn một cảnh sinh hoạt trên đường phố ở Tây Ðức trên màn ảnh họ cũng biết tất cả những lời tuyên truyền của đảng và nhà nước là láo khoét. Những người Ðông Ðức trốn thoát chế độ Cộng Sản vẫn gửi tin tức về nhà. Mà họ không cần đưa tin tức, chỉ những gói quà họ gửi về cũng đầy những thông tin rồi. Tin tức giúp dân mở mắt ra nhìn sự thật.
Các bạo chúa không hoàn toàn tin ở Thuyết Dân Ngu, nhưng họ biết phải làm cho dân ngu, càng ngu càng dễ trị. Họ biến những người không ngu cũng thành ngu, đã dốt rồi thì cảng thêm dốt nát. Từ Stalin, Mao Trạch Ðông tới Hồ Chí Minh, Pol Pot, đường lối giản dị nhất của họ là bưng bít thông tin. Dân càng ngu các bạo chúa càng kéo dài ách thống trị. Muốn dân tiếp tục ngu thì không cho tự do ngôn luận, cấm báo chí độc lập bên ngoài guồng máy đảng. Chính sách Ngu Dân này được áp dụng tại khắp các nước độc tài. Nhưng không ở đâu triệt để bằng trong chế độ Cộng Sản. Ðảng chiếm độc quyền điều khiển các báo, đài, chiếm độc quyền giáo dục, độc quyền in sách giáo khoa.
Machiavelli và Hàn Phi Tử không hề biết ngày nay có thứ gọi là Internet.
Không hề biết có những người can đảm làm blog, làm Câu Lạc Bộ Báo Chí Tự Do. Ðó là những đợt xung phong tấn công chế độ độc tài, phá tan chính sách ngu dân, bưng bít. Bằng những ý kiến mới mẻ, bằng những tin tức “lề trái,” người dân sẽ càng ngày càng hiểu, biết nhiều hơn. Cho nên mới có những thanh niên như Nguyễn Việt Dũng. Dũng Phi Hổ hay Hoàng Tử Thuốc Lào, người xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, ra đời sau khi chiến tranh chấm dứt 9 năm. Nhưng anh nhận được những thông tin ở đâu không biết, đã phán đoán rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa tốt hơn chế độ Cộng Sản. Anh di biểu tình ở Hà Nội, mặc áo chữ T, trên ngực in phù hiệu binh chủng Nhảy Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Chúng ta có thể tin tưởng rằng dân chúng không ngu; ở bất cứ nước nào cũng vậy, họ không phải là con nít. Chỉ khi thiếu thông tin thì họ khó suy nghĩ đúng. Khi có đủ tin tức thì trí óc tập thể của người dân đủ sức phán đoán, quyết định, chọn lựa cho chính họ – không cần đứa nào “lãnh đạo” cả. Trong bức thư gửi cho Richard Price, năm 1789, Thomas Jefferson viết: “Khi dân chúng được thông tin đầy đủ, có thể tin tưởng họ sẽ biết tự cai trị. Khi có điều gì kỳ cục làm cho họ chú ý, có thể tin là họ sẽ chỉnh đốn được. (Whenever the people are well-informed, they can be trusted with their own government. Whenever things get so far wrong as to attract their notice, they may be relied on to set them to rights).
Ðó là niềm tin của những người đang tranh đấu đòi tự do dân chủ. Dân chủ không bảo đảm một xã hội lý tưởng xa vời. Dân chủ chỉ là những cách xếp đặt cuộc sống chung để bảo đảm người dân có quyền lựa chọn và thay đổi những người cầm quyền. Trong lịch sử, loài người đã thử áp dụng nhiều thể chế khác nhau, không có thể chế nào hoàn hảo cả, nhưng dân chủ là chế độ đỡ tai hại nhất.
Dân ngu hay ngu dân?
Nhà nước khủng bố
Ở Việt Nam, từ mấy năm nay, dư luận thường xôn xao trước hiện tượng công an bắt người trái phép, mang vào đồn và đánh đập đến chết. Thi thể được mang vào bệnh viện xét nghiệm, người ta thấy người thì giập phổi, người thì toàn bộ nội tạng đều bị nát nhừ. Có trường hợp công an thừa nhận dùng nhục hình để tra tấn; có trường hợp chúng chối phăng, cho là nạn nhân hoặc tự tử hoặc bị bệnh từ trước hoặc lén lút dùng ma tuý quá liều.
Tổ chức Human Rights Watch ghi nhận được 31 trường hợp bị đánh chết trong các trại tạm giam của công an trong bốn năm (2011-2014). Con số này chắc chắn không đầy đủ. Theo một báo cáo của Bộ Công an mới đây, trong khoảng bốn năm, từ ngày 1/10/2011 đến 30/9/2014, tổng cộng có 226 người bị chết trong các nhà tạm giam vì nhiều lý do khác nhau, trong đó, có lý do là nhục hình. Điều cần lưu ý là công an chỉ thừa nhận việc dùng nhục hình khi không thể chối cãi được nữa nên những lý do vớ vẩn họ đưa ra như tự tử hay bị bệnh đều có thể không đúng sự thật.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý không phải chỉ việc công an tra tấn nhiều người đến chết mà còn một khía cạnh khác không kém quan trọng: khi việc tra tấn bị phanh phui, không thể giấu nhẹm được nữa, phải mang ra toà xét xử, các bản án dành cho công an phạm tội tra tấn dẫn đến cái chết của những người dân vô tội đều rất nhẹ, người thì được tha bổng, người thì bị tù treo, chỉ hoạ hoằn mới có một số công an bị tù giam, nhưng ngay trong trường hợp ấy, án tù cũng chỉ vài ba năm, nói theo luật sư Võ An Đôn, hoàn toànkhông có tác dụng răn đe để công an đừng tái phạm.
Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao công an lại càng ngày lại càng tra tấn người dân một cách dã man như vậy? và tại sao các bản án dành cho các công an tra tấn dân chúng đến chết lại nhẹ nhàng đến như vậy? Trả lời câu hỏi trên, chúng ta tiếp cận một sự thật: chính phủ không hề đưa ra chủ trương và hình thức kỷ luật nào để hạn chế các hành động tra tấn đến chết. Trả lời câu hỏi dưới, chúng ta tiếp cận một sự thật: chính phủ cũng không hề muốn trừng phạt những công an phạm tội dùng nhục hình để bức cung. Hai câu trả lời ấy lại dẫn đến một sự thật khác: Chính phủ muốn dùng sự khủng bố để đe doạ mọi người.
Khủng bố là hành vi bạo động nhằm gây hoang mang, lo lắng và sợ hãi trong dân chúng. Về phạm vi, có hai hình thức khủng bố chính: Khủng bố thuộc tổ chức (organization terrorism) và khủng bố thuộc nhà nước (state terrorism).
Tiêu biểu nhất cho loại khủng bố thuộc tổ chức gần đây là sự khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan: Họ sống rải rác trên nhiều quốc gia khác nhau nhưng có chung một nỗi hận thù đối với văn hoá và văn minh Tây phương, chung một tham vọng muốn phát triển nhà nước Hồi giáo khắp nơi trên thế giới và chung một biện pháp: sử dụng bạo lực để giết càng nhiều người càng tốt, gây tiếng vang càng lớn càng tốt và càng làm cho càng nhiều người khiếp hãi càng tốt.
Khủng bố thuộc nhà nước thì có hai mức độ: Một, ủng hộ và tài trợ cho các tổ chức khủng bố để chúng gieo rắc tội ác ở những nơi khác và hai, bản thân nhà nước đóng vai trò khủng bố đối với dân chúng trong chính nước của họ. Thuộc loại trên, Tổng thống Mỹ George W. Bush, vào năm 2002, cho có ba quốc gia chính được gọi là “trục ma quỷ” (Axis of evil), bao gồm Iraq, Iran và Bắc Triều Tiên. Thuộc loại dưới, tất cả các quốc gia độc tài, với những mức độ khác nhau, đều là những nhà nước khủng bố: Họ sử dụng bạo lực để làm dân chúng sợ hãi, từ đó, triệt tiêu mọi ý định phản kháng, hoặc thậm chí, phản biện.
Trong ý nghĩa đó, không còn hoài nghi gì nữa, nhà nước Việt Nam hiện nay là một nhà nước khủng bố.
Thật ra, tính chất khủng bố ấy đã xuất hiện ngay từ khi nhà nước Việt Nam (cộng sản) vừa mới ra đời. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, họ đã có chính sách tiêu diệt những người đối lập và đối kháng, qua đó, gây khiếp hãi trong quần chúng để không ai dám chống lại họ nữa. Chính sách này càng trở thành phổ biến trong cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam trong giai đoạn 1954-75. Chính sách gọi là “trừ gian diệt bạo” thực chất là một sự khủng bố. Theo Anthony James Joes, trong cuốn “The War for South Vietnam 1954-75” (New York: Fraeger, 1989, tr. 46), trong cuộc chiến tranh Nam Bắc, Việt Cộng đã giết khoảng 20% các cán bộ làng xã ở miền Nam. Chỉ trong năm 1960, họ giết khoảng 1.400 công chức và thường dân; năm 1965, con số bị họ giết lên đến 25.000 người. Theo Walter Laqueur, trong cuốn “Guerrilla, a Historical and Critical Study” (London: Weidenfeld and Nicolson, 1977, tr, 262-271), những sự khủng bố của chính quyền miền Bắc có quy mô và mức độ tàn độc hơn cả Trung cộng trong cuộc chiến chống lại Tưởng Giới Thạch trong thập niên 1940.
Đó là thời chiến tranh. Tại sao bây giờ, thời bình, chính quyền lại tiếp tục sử dụng các biện pháp khủng bố như vậy đối với dân chúng?
Câu trả lời, theo tôi, là vì họ sợ.
Chính quyền Việt Nam hiện nay thừa biết dân chúng không còn tin họ, không còn phục họ, và sẵn sàng đứng dậy chống lại họ khi quyền lợi của người dân bị xâm phạm. Bởi vậy, chính quyền quay mặt làm ngơ, nếu không muốn nói là âm thầm khuyến khích, việc công an dùng nhục hình đối với dân chúng. Chính quyền không hề có ý định răn đe công an. Chính quyền chỉ muốn răn đe dân chúng: Chống lại chính quyền thì chỉ có chết!
Bất cứ chế độc tài nào cũng xây dựng quyền lực trên hai nền tảng: tuyên truyền và khủng bố. Công việc tuyên truyền của chính quyền Việt Nam gần đây rõ ràng là đã thất bại: Họ không còn thuyết phục được dân chúng về tính chính nghĩa của họ, đặc biệt trước hai vấn nạn: dân chủ và chủ quyền (đặc biệt ở Biển Đông). Thất bại về tuyên truyền, họ chỉ còn cách duy nhất là gia tăng mức độ khủng bố.
Mục tiêu của khủng bố là làm cho dân chúng sợ. Nhưng động cơ thực sự của sự khủng bố là sợ dân chúng nổi dậy chống lại chính quyền.
Nhà nước khủng bố