Tháng Tư lại về…
Những vết thương âm ỉ lại thêm một lần đau nhức trong tâm thức nhiều người Việt, những người đã từng chịu đau thương vì cuộc xâm lược mà những người cộng sản Bắc Việt đã áp đặt lên miền Nam. Là một người trẻ sinh sau 1975, tôi không phải nếm trải những kinh nghiệm đau đớn trong cuộc chiến này. Nhưng hằng năm, cứ vào dịp này, trong lòng tôi lại rộn lên những hoài niệm về giấc mơ thời tuổi trẻ của ba tôi những ngày sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà.
Việt Nam Cộng Hoà chưa phải là nơi tôi mơ ước, vì tôi mơ ước nhiều hơn thế: tôi mơ về một Việt Nam từ ải Bắc đến mũi Cà Mau, hoà bình, tự do dân chủ và có vị thế chính trị lớn mạnh trong khu vực. Nhưng đất nước đã mất này hoàn toàn xứng đáng để tôi dành một góc hoài niệm trong trái tim mình. Vì ở đó, gia đình ông bà tôi được ấm no, các cô chú bác tôi được sung túc và ba tôi được phép có một giấc mơ và có thể biến nó thành sự thật. Nhưng mọi thứ đã tan tành sau ngày 30 tháng Tư đen tối ấy.
Tôi không phải là người sống với quá khứ vì tôi còn trẻ và tương lai còn dài. Nhưng tôi tôn trọng những giá trị đã đạt được của tiền nhân, tôi thương yêu và ước gì, tôi có thể xoa dịu được tất cả những ai phải chịu những đớn đau, mất mát trong quá khứ đau buồn đó. Cứ mỗi tháng Tư về, tôi nhớ đến rất nhiều điều của quá khứ tang thương miền Nam, đất nước của ông bà tôi, đất nước thời niên thiếu của ba tôi. Tôi nhớ đến những sĩ quan quân đội đã tuẫn tiết vì thất bại trong nỗ lực bảo vệ quốc gia tự do của mình. Tôi nghĩ đến hàng trăm ngàn người bị sóng biển Đông nhấn chìm. Tôi nhớ đến hàng ngàn quân cán chính Việt Nam Cộng Hoà phải bỏ mạng trong các trại lao động khổ sai. Tôi cũng nghĩ đến bố chồng tôi, một viên cảnh sát Việt Nam Cộng Hoà, đã bị đột quỵ và mất hết ý chí sống từ sau 1975.
Những ngày này, tôi muốn tưởng niệm về quá khứ và cầu nguyện cho các linh hồn hơn là rao giảng đạo đức khoan dung, vị tha. Không biết vô tình hay cố ý, mỗi năm đến ngày này, nhiều người cứ nhắc về sự hoà giải. Thật không hợp lý, hợp tình và đặc biệt khi nội dung những lời kêu gọi này hoàn toàn thiên vị. Nếu tôi không nhầm, hầu hết những người cổ vũ cho sự “hàn gắn”, “hợp hợp hoà giải” là những trí thức xuất thân từ các gia đình miền Bắc cộng sản. Chúng ta cần phân biệt rõ sự “hoà giải” mà họ nói không giống với sự hoà giải mà tác giả Nguyễn Gia Kiểng đã ưu tư trong cuốn “Tổ quốc ăn năn” của ông.
Trong khi Nguyễn Gia Kiểng cổ vũ cho sự hoá giải các mâu thuẫn nội tại về văn hoá, tâm thức, lịch sử đã in sâu trong lòng dân tộc do những hệ luỵ của một thời kỳ lịch sử xa xôi, không kể riêng cuộc chiến tranh Việt Nam. Thì những người cổ vũ cho “hợp hợp hoà giải” này với kiểu não trạng của “bên thắng cuộc” chỉ nhắm đến sự xoa dịu nỗi căm phẫn mà những người Việt hải ngoại và những người đấu tranh trong nước đối với những tội ác mà đảng cộng sản đã và đang thực hiện.
Nếu ngay trong chính lời kêu gọi hoà giải đã mang thiên kiến, thì khó mong họ có thể đóng góp cho một cuộc hoà giải thực sự. Theo thói thường của con người, khi người ta đứng ngoài những tổn thương hoặc là kẻ chiến thắng, họ thường dễ dàng rao giảng về đạo đức và sự tha thứ hơn những người chịu đau đớn, đặc biệt là khi vết thương đó chưa lành hẳn. Nhưng khi nghĩ đến chữ “hoà” thì ta chỉ có nghĩ ngay đến một thành phần trung gian, không thiến kiến. Chỉ có những ai thật tâm cân nhắc về Công lý và sự Công bằng với có đủ thẩm quyền đạo đức kêu gọi sự hoà giải.
Tôi đang có cảm giác mình là kẻ vạch lá tìm sâu, nhưng tôi không thể không chia sẻ điều mình nghĩ, đặc biệt là khi có ai đó nói về những điều gây tổn thương cảm thức về Công lý. Mới đây, admin của một trang facebook thông tin khá nổi tiếng đã chia sẻ một status dài, trong đó có đoạn như sau: “Chúng ta đã hàn gắn và hòa giải với cựu thù, nhưng vẫn chưa hàn gắn được chính sự chia rẽ trong lòng chúng ta.” “Cựu thù” ở đây là ai, là Hoa Kỳ? Anh đang đứng ở vị trí nào khi coi người Mỹ là cựu thù? Nếu anh coi họ là cựu thù thì chắc chắn đối với anh, Nga Sô và Trung cộng là anh em?
Ở đây tôi chỉ nói về lập trường trong cuộc chiến chứ không nói trong bối cảnh hiện nay. Dù Hoa Kỳ là một đồng minh “tráo trở” của Việt Nam Cộng Hoà thì đại đa số người dân miền Nam (trừ những kẻ nằm vùng và thân cộng) không coi họ là kẻ thù, mà chính những người cộng sản miền Bắc và đàn anh của họ mới là kẻ thù của miền Nam tự do. Vậy người admin này đã hoàn toàn đứng ở vị thế kẻ thắng cuộc miền Bắc để kêu gọi hoà giải. Như vậy, anh không đủ thẩm quyền đạo đức để bàn chuyện hoà giải.
Tôi không muốn bàn về một sự hoà giải viển vông. Hoà giải mọi mâu thuẫn trong lòng dân tộc là chuyện tất nhiên mà chúng ta cần làm để vực dậy chí khí dân tộc. Nhưng vấn đề là ai hoà giải với ai và hoà giải cần những điều kiện nào. Ý tiếp theo mà anh admin của Dân Luận đưa ra có thể giúp chúng ta rõ hơn về ý hướng của anh: “Nếu chính quyền không chịu làm điều đó, chính chúng ta phải xắn tay vào mà làm”.
Chính quyền độc tài hiện nay là kẻ tội đồ của dân tộc, họ không bước xuống, quỳ gối mà cầu xin tha thứ, mà vẫn đứng trên ngôi cao tiếo tục đàn áp những người bày tỏ ý kiến khác biệt. Vậy chúng ta “xắn tay” cao đến mức nào mới có thể “hoà giải” được đây? Không lẽ bảo những nạn nhân của họ phải chạy đến van xin để cầu hoà?
Nói đơn giản, tài sản – nhà cửa của người dân miền Nam, mà chính quyền cộng sản tịch thu rồi chia lại cho cán bộ nhân viên của họ, có được trả lại cho chủ cũ chưa? Hồ sơ này giải quyết ra sao? Chính quyền đã làm gì để bồi thường những mất mát nhân mạng và tổn thương tinh thần đã gây ra cho các gia đình quân cán chính miền Nam? Chính quyền cộng sản đã có lộ trình thực tiễn nào cho việc dân chủ hoá đất nước, trả tự do cho tù nhân lương tâm, bồi thường cho các nạn nhân nhân quyền và dân oan? Nếu chính quyền độc tài không làm những điều này thì ai là người có khả năng làm? Xin nhớ sự hoà giải trong tâm thức chỉ đến khi có những biện pháp hoà giải và khắc phục hậu quả trên thực tế.
Công lý không được thực thi, mong gì hoà giải?
Nếu chính quyền độc tài bị giải thể, còn lý do gì để người Việt ở hải ngoại giữ sự căm ghét chính quyền? Khúc mắc lớn nhất hiện nay là cuộc xung đột mang tính hệ thống về cả giá trị lẫn quyền lợi giữa chính quyền Cộng sản Việt Nam với đại đa số người Việt quốc nội và hải ngoại. So với xung đột hệ thống này, những mâu thuẫn cục bộ khác đều dễ giải quyết hơn. Tôi tin rằng người Việt Nam còn nhiều mâu thuẫn. Hoà giải ư? Cần thiết chứ, những mâu thuẫn luôn cần sự hoà giải. Nhưng xin nhớ, chỉ có mâu thuẫn mới cần hoà giải còn tội ác thì chỉ cần được đưa ra toà án công lý. Và sau khi chế độ độc tài này ra đi, chúng ta hoàn toàn có điều kiện để hoá giải các mẫu thuẫn về lịch sử, tôn giáo, vùng miền, sắc tộc… Còn bây giờ, nhắc đến hoà giải thì chỉ có thể nói đến một khả năng: chính quyền độc tài phải giải thể!
Chúng ta có thể tự cảm thấy mình nhân văn khi kêu gọi hoà giải. Nhưng nếu chúng ta không phân tích rõ ràng và kỹ lưỡng về các điều kiện để hoà giải mà chỉ nói với tâm thức một người may mắn không phải chịu tổn thương thì vô tình chúng ta trở thành kẻ tàn nhẫn lên giọng cao đạo trong khi vết thương của nạn nhân chưa lành. Vài lời dong dài xin chia sẻ với quý thân hữu và độc giả gần xa. Xin cầu nguyện cho nhau trong những ngày kỷ niệm đen tối này.
Buôn Hô, 22/4/2015
Bốn mươi mùa tháng Tư
No comments:
Post a Comment