Tuesday, 28 April 2015

Bốn tháng và 40 năm


Thật khó tưởng tượng tôi đang ở Hoa Kỳ, một đất nước văn minh và hùng mạnh nhất thế giới. Vâng, trước đây 4 tháng dù có cố hình dung đến đâu tôi vẫn không thể tưởng tượng mình sẽ đến được đất nước này.


Bốn tháng trời quá ngắn ngủi để một công dân của một đất nước thuộc hạng nghèo nàn nhất thế giới đến định cư và hòa nhập vào xã hội hiện đại tột bậc này.



30 Tháng Tư, thoáng chốc đã 40 năm. (Hình: Getty Images)

30 Tháng Tư, thoáng chốc đã 40 năm. (Hình: Getty Images)



Tị nạn nơi xứ sở mới được 4 tháng, trước mắt tôi còn rất nhiều bỡ ngỡ và thách thức nhưng cũng thật an lành. Giờ đây tôi vẫn e dè nhìn những hàng xe nghìn nghịt, nối đuôi nhau chạy vùn vụt trên các freeway ngang dọc khắp nơi. Và đôi khi chợt bâng khuâng khi thơ thẩn trong công viên xanh bát ngát để nhớ về những ngày Tháng Tư kinh hoàng năm xưa nơi quê nhà.


Tháng Tư năm nay với tôi đã không còn những cú điện thoại nặc danh răn đe, không còn tiếng đập cửa đêm khuya, cũng chẳng còn những bóng người lô nhô ngồi canh nơi đầu hẻm. Không còn trò ép xe trên đường phố, không còn những cặp mắt gắn chặt sau gáy mỗi khi ra khỏi nhà…


Tháng Tư California, tiết mùa Xuân hơi se lạnh với những hàng cây “phượng tím” trổ rực rỡ trên những con đường vắng ở Fountain Valley, xác hoa phủ đầy vỉa hè, nhuộm tím cả vạt cỏ bên đường. Và ở cảng San Diego, chiếc hàng không mẫu hạm USS Midway vẫn sừng sững soi bóng dưới mặt nước, nơi ấy cũng lưu giữ ký ức của cuộc chiến Việt Nam 40 năm trước.


Vậy mà đã 40 năm trôi qua, một quãng thời gian thật dài cho đời người. Khoảng thời gian ấy đủ để một đứa trẻ vừa lớn biến thành một gã trung niên râu tóc đã nhuốm màu chiều.


Bốn mươi năm trước, tôi là thằng bé 15 tuổi lang thang lếch thếch ôm bọc quần áo theo đoàn người di tản lúc may mắn thì bám càng xe vận tải, khi không may thì cứ chạy bộ. Từ Bảo Lộc lên Đà Lạt, xuống Phan Rang, ra Cam Ranh, Nha Trang rồi lộn ngược trở vào Phan Thiết, Bình Tuy… Thức ăn là những gói cơm sấy, cá khô mà các anh lính vừa san sẻ hoặc rau trái bứt tạm bên đường. Đêm ngủ dưới gầm xe hay chui vào mái hiên trường học, nhà thờ. Tiếng trọng pháo xen lẫn tiếng bom mìn không cản nổi giấc ngủ của thằng bé đã mệt nhoài.


Dòng người dài dằng dặc, nháo nhác chạy xuôi về hướng nam, xuôi về Sài Gòn. Chạy, chạy mải miết càng xa càng tốt khỏi những đoàn xe tăng T54 nghiền nát phố thị, làng mạc. Chạy càng xa càng tốt khỏi đoàn cộng quân dép râu với sao vàng gắn trên mũ cối. Hàng triệu con người suốt từ các tỉnh miền Trung vào đến Xuân Lộc cứ thế gồng gánh, tay xách nách mang đổ về xuôi Nam, gạo được đổ đầy vào chiếc quần dài, cột túm lại khoác lên vai và gạo vương vãi bên bờ đường khi cơ thể gục ngã. Khắp nơi là hoảng loạn thất thần, khắp nơi là nhà cửa, xe cộ cháy rừng rực. Tiếng trẻ con khóc thét, tiếng kêu gọi thất thần xen lẫn tiếng rít súng đạn. Và thây người bê bết máu nằm ngổn ngang bên xác trâu bò. Có những bà mẹ ôm xác con khóc không ra tiếng, có những cụ già, trẻ thơ gục xuống bên đường vì đói khát, vì không còn chạy nổi. Người ta đã dùng bất cứ phương tiện gì từ xe bò đến xe lam, từ xe đạp đến ghe chài để càng nhanh càng tốt tránh xa lửa đạn.


Lọt xuống chiếc ghe chài chở khẳm từ bến Bình Tuy về Long Hải, tôi tưởng mình đã chìm xuống biển khi nhiều lần sóng nhô lên như muốn nhấn chiếc ghe nặng nề xuống biển sâu. Những thân mình ướt lướt thướt nằm chen sát chật cứng bên nhau trong lòng ghe… Chỉ biết lầm rầm đọc kinh và van trời vái phật cho đến bến an bình. Thằng bé là tôi năm xưa đã không lê nổi chân khi về đến bãi Long Hải, toàn bộ cơ thể đã kiệt sức rã rời, có lẽ tôi đã phải chạy hàng ngàn cây số trong đói khát và sợ hãi…


Chiến sự cứ dồn dập sát bên những đoàn người di tản để rồi những hình ảnh, những thước phim ấy loan về Sài Gòn càng làm Tháng Tư thêm nóng bỏng ngột ngạt. Tháng Tư năm ấy trời vẫn chưa chuyển qua mùa mưa.


Và rồi tiếng bom đã vang ngay trong Dinh Độc Lập, tiếng trọng pháo đã chụp xuống đầu dân Sài Gòn. Lúc ấy tôi đã tìm được gia đình và lại tiếp tục tìm chỗ ẩn trú đạn bom. Ác nghiệt thay, nơi gia đình tôi nương náu lại là một tu viện ở Phú Nhuận sát bên cạnh Bộ Tổng Tham Mưu. Đạn pháo kích của cộng quân đã rơi giữa sân trường học, đã làm sập mái nhà bếp tu viện và cái chết đã gần ngay gang tấc.


Những xác người quấn chiếu vội vàng đặt lên sạp bán rau giữa phố thị. Những đoàn người lại đổ xô đến sân bay, ra bãi biển tìm một lối thoát. Cuối Tháng Tư, khi tiếng xích sắt của chiến xa T54 đã nghiến trên đại lộ Hồng Thập Tự, Thống Nhất, khi tận mắt nhìn thấy tên Việt Cộng đang trèo lên đỉnh Chateau d’eau trong khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu để cắm lá cờ xanh đỏ và bên tai là tiếng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì tất cả đã đổ sụp trong lòng tôi.


Tất cả những gì thằng bé là tôi đã chứng kiến vào Tháng Tư đen tối ấy chắc chắn không thể phai mờ.


Nhưng, những ngày tháng về sau cũng chẳng kém phần đen tối. Thằng bé 15 tuổi ngày ấy đã phải vào rừng kiếm củi, phải đi đào mương giữa nắng hạn theo những kế hoạch “thủy lợi” ngu xuẩn. Tôi đã phải rời mái trường trung học để vào khu kinh tế mới. Đêm đêm dưới ánh đèn dầu leo lét, hàng trăm con người đói lả phải cúi đầu nghe bọn “cách mạng 30 Tháng Tư” ra rả răn đe. Những bát cơm đầy bo bo không thể nuốt trôi nhưng vẫn phải cắm đầu cuốc đất cho “đúng kế hoạch.” Sách vở chữ nghĩa đã thành xa xỉ phẩm khi bày tay, bàn chân còn không kịp rửa, một mình trong căn chòi tranh giữa rừng. Cha thì đi “học tập,” mẹ chạy chợ nuôi đàn con. Đứa em gái 9 tuổi cầm tem phiếu đi mua dầu lửa thì bị xe cán bộ đụng chết, tiền bồi thường là 2 bao xi măng nên ngôi mộ của bé méo xẹo bởi xây bằng tay người anh vụng về.


Bốn mươi năm. Cứ Tháng Tư lại nghe chiếc loa của nhà cầm quyền ra rả lập lại những khúc tụng ca chiến thắng và phố phường, làng mạc ngập một màu cờ đỏ như máu dân lành. Cứ Tháng Tư nỗi đau như càng xoáy thêm vào vết thương cũ để lại nhớ về những ngày ấy, để cay đắng nhìn “thành quả” của nhà cầm quyền, và để ngậm ngùi tưởng tiếc những người đã ra đi.


Tháng Tư năm nay, Sài Gòn vẫn chưa vào mùa mưa, cơn sốt hầm hập mang màu đỏ rực vẫn phủ lên đầu xã hội. Những vụ bắt giữ vẫn tiếp tục, những bản án vô lý cứ tuyên bố và các lệnh cấm đang ban ra, mối đe dọa với các bạn tôi nơi ấy vẫn còn nguyên. Lẽ nào 40 năm sau, cuộc chiến còn đang tiếp diễn?


San Diego, Tháng Tư 2015


Uyên Vũ



Bốn tháng và 40 năm

No comments:

Post a Comment

Đại Họa Mất Nước