Một anh bạn ở nước ngoài vừa chia sẻ cảm giác thất vọng và buồn khi vài đồng nghiệp của anh từ chối ký tên vận động cho Tự do – Nhân quyền – Dân chủ Việt Nam tại website nhanquyen2015.net với lý do sợ phiền phức.
Với tôi, việc ký tên là lựa chọn cá nhân, nếu ai đó cảm thấy có tự do và từ chối tranh đấu cho tự do là quyền của họ. Nhưng suy nghĩ, không ký vì sợ bị phiền nhiễu khi trở về Việt Nam, lại là một chuyện khác.
Hàng triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi sau biến cố 1975 hoàn toàn có quyền lựa chọn cho tương lai của mình.
Họ có thể chọn cách lãng quên quá khứ và chối bỏ sự sợ hãi đã đẩy họ bỏ nước ra đi để làm lại cuộc đời khác. Và họ hoàn toàn có quyền im lặng trước thực trạng tồi tệ của Việt Nam hiện nay – bởi nơi này không còn là hiện tại và tương lai của họ nữa.
Nếu đơn giản như thế, lý do để từ chối lời mời ký vào thư vận động sẽ chỉ là: tôi không muốn vì nó không phù hợp.
Chỉ là như vậy thôi là đủ!
Vấn đề lớn hơn ở đây của nhiều người Việt mình là sự sợ hãi không có biên độ mà Cộng sản đã tạo nên bằng sức mạnh vô sản đã khiến họ mất khả năng phân tích dựa trên lý trí của mình.
Làn sóng di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, những “đêm chôn dầu vượt biển” nhắm mắt đánh đổi sinh mạng mình giữa đất trời năm 1975 và những nỗ lực cố gắng đưa con cái thoát khỏi “thiên đường” đến tận bây giờ theo tôi đều là phương thức chạy trốn khỏi sự sợ hãi.
Bằng nhiều cách thức, Cộng sản dồn con người đến chỗ ám ảnh tuyệt vọng, sợ bị thủ tiêu, bị trả thù, bị sách nhiễu, sợ không được sống như một con người bình thường… Tất cả những điều này khiến nhiều người chọn cách quay lưng với thực tại, chọn cuộc sống chỉ biết đến bản thân, và chọn luôn cách tấn công hoặc dè bỉu người khác vì họ không giống mình.
Từ việc khiến người ta sợ hãi bằng đủ phương thức hù dọa và đàn áp, Cộng sản khiến nhiều người trở nên vô cảm, thờ ơ với mọi thứ xung quanh cốt chỉ để yên thân.
Tôi vẫn luôn nhớ câu trích dẫn từ một bài viết của blogger Vũ Đông Hà – một người anh mà tôi luôn kính trọng và mến mộ khiến an ninh bực tức đến độ in ra để buộc tôi phải ký xác nhận rằng đã đăng trên Facebook mình như sau: “Tội ác lớn nhất của một triều đại không hẳn là đốt sách, giết người hay làm cho đất nước trở nên nghèo khó, mà là làm cho cả một dân tộc trở nên hèn nhát, ích kỷ và mê muội”.
Với tôi, khi hệ thống giáo dục, hệ thống tuyên truyền cùng các chính sách cai trị của Cộng sản nhằm mục tiêu khiến người ta không thể có một cuộc sống bình thường như hàng triệu triệu người khác trên thế giới này thì việc chọn lựa cách sống và thái độ sống thế nào để là con người ít nhiều tuỳ thuộc vào bản thân mỗi người.
Đừng hỏi ai cho tôi quyền làm người mà nên tự hỏi làm sao để sống xứng đáng như một con người, điều này sẽ quyết định thái độ và hành động sống của bạn.
Sự sợ hãi sẽ bị giới hạn trong một biên độ nhất định, nếu bạn thực sự muốn đối đầu và giải quyết nó.
Sợ hãi không biên độ?
No comments:
Post a Comment