Suốt bảy mươi năm qua (ở miền Bắc) và bốn mươi năm qua (ở miền Nam), CSVN đã hành động theo một tôn chỉ “một ngàn lần nói láo sẽ thành sự thật”. Với tôn chỉ đó kèm theo biện pháp hộ khẩu và tiêu chuẩn lương thực cho mỗi đầu người, đã làm cho người dân miền Bắc sống, hành động và suy nghĩ chẳng khác gì so với dòng chảy của nước sinh hoạt mà công ty cấp nước phân phối cho mỗi hộ gia đình. Với người dân miền Nam, một phần do điều kiện thiên nhiên ưu đãi hơn và một phần do thừa hưởng sự tự do của hai nền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa nên trong suy nghĩ và hành động có khác đi. Tuy nhiên do dễ bị chụp mũ “ngụy quân, ngụy quyền” nên phần lớn người dân miền Nam cũng đành cam chịu và những sự đè nén này chỉ có dịp tuôn ra ở những bàn tiệc của bạn bè hoặc của người thân trong gia đình.
Quê tôi là một làng nhỏ của tỉnh Bình Định, nằm trên bờ phía Bắc của con sông Côn. Đầu năm 1964 Cộng Sản về đánh chiếm làng tôi. Ba tuần lễ đầu, người dân tạm sống được với những thực phẩm dự trữ còn lại, đến tuần lễ thứ tư thì cả làng nhà nào cũng chỉ còn có lúa, gạo. Cuộc sống người dân bắt đầu khó khăn. Một hôm, má tôi lẻn xuống thị trấn (vùng mà quốc gia kiểm soát) mua mắm, cá khô đem về bán lại cho dân làng. Chỉ có một buổi sáng mà má tôi đã bán hết sạch gần 70kg cá khô và mắm. Cả nhà tôi ai cũng vui vì ngoài số tiền lời kiếm được, má tôi còn giúp bà con trong làng có được chút mắm cá trong vài bữa ăn.
Buổi chiều ngày mà má tôi đã bán hết mắm và cá khô, trong lúc đang chuẩn bị đồ đạc để sáng hôm sau đi một chuyến nữa, du kích vào nhà bắt má tôi dẫn đi với lý do là má tôi đã làm trinh sát, dẫn Sư Đoàn 22 về tảo thanh các làng kế cận với làng tôi (khi má tôi từ thị trấn trở về thì cùng lúc đó một đơn vị của Sư Đoàn 22 đi tảo thanh toàn bộ các làng trong cùng một xã với làng tôi).
Má tôi bị giam trong ngôi đình của làng. Ngôi đình này nghe nói rất linh thiêng, bọn trẻ con chúng tôi không đứa nào dám lảng vảng lại gần khi trời chạng vạng tối. Khi tôi và anh trai đem phần cơm chiều cho má, càng đến gần ngôi đình tôi càng run sợ, tôi liền nắm chặt tay anh trai tiến về ngôi đình.
Người du kích mở cửa ngôi đình, qua ánh sáng lờ mờ tôi nhìn thấy má bị tra hai chân vào cùm cùm được làm bằng hai tấm ván ghép lại, giống nhau, mỗi tấm có khoét hai lỗ nửa đường tròn, hai chân người bị cùm cho vào đó, dùng một dụng cụ giữ chặt hai tấm ván lại). Với một đứa trẻ 11 tuổi, làm sao tôi biết được Cộng Sản là gì? Nhưng khi nhìn thấy những vết trầy xước trên hai chân của má tôi, thì lần đầu tiên trong tôi cảm nhận được thế nào là lòng căm thù, đó là căm thù Cộng Sản.
Sáng ngày hôm sau, du kích đưa má tôi lên xã để chuyển giao cho công an huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn).
Vừa bước vào ủy ban xã, má tôi gặp một người học trò của ông ngoại tôi là bác Cửu Lưu:
– Ủa, cô đi đâu mà ôm mền, gối lỉnh kỉnh vậy cô Ba? Bác Cửu Lưu hỏi má tôi.
Má tôi thuật lại sự việc cho bác Cửu, nghe xong bác Cửu dẫn má tôi vào gặp ông chủ tịch xã.
– Cô Ba, đây là con của thầy dậy học chú hồi nhỏ. Cô ấy chỉ biết buôn bán và làm ruộng thôi, làm gì có chuyện cổ làm thám thính cho lính ngụy được. Chú bảo đảm đó.
Không biết, bác Cửu có quan hệ như thế nào với ông chủ tịch xã, nhưng sau lời bảo đảm của bác Cửu, má tôi được cho về nhà.
Ba tháng sau, một đơn vị của quân đội Mỹ đồn trú trong phi trường Phù Cát, đi hành quân đóng quân tại làng của tôi, bọn du kích trong làng chạy trốn hết. Thế là gia đình tôi chuyển xuống Qui Nhơn để sinh sống.
Cuối tháng 2-1975, gia đình tôi có mặt ở Sài Gòn, sau đó hoàn chỉnh sổ gia đình trước ngày 30-4-1975 hơn một tháng rưỡi. Chính nhờ sổ gia đình này mà sau ngày 30-4-1975 gia đình tôi có hai sổ hộ khẩu, nhờ hộ khẩu thứ hai này mà tôi thoát được cái nạn mà nhiều bạn cùng trang lứa với tôi ở các tỉnh miền Trung phải gánh chịu là không cho thi đại học hoặc đậu đại học mà không cho đi học vì có thân nhân tham gia trong quân đội quân lực VNCH.
Tháng 11-1975, tôi bước vào những buổi học đầu tiên dưới mái trường của chế độ Cộng Sản. Trong suốt 3 tháng liền, ngày nào cũng nghe giảng về chủ nghĩa Cộng Sản, chủ nghĩa xã hội, các bài ca ngợi về đại thắng mùa xuân, đặc biệt khi giảng về đại thắng mùa xuân, báo cáo viên thường chêm vào những câu chuyện “huyễn hoặc” về ông HCM để qua đó ca ngợi tài năng và đức độ của ông HCM.
Thành thật mà nói, những bài giảng về chủ nghĩa Cộng Sản, CNXH, lúc đầu cũng tạo một sự thích thú cho tôi và một số bạn cùng lớp. Riêng về đại thắng mùa xuân, tất cả các báo cáo viên ai cũng nêu những yếu tố giống nhau, tuy có khác nhau về thời gian và địa điểm đó là quân ta toàn thắng còn Mỹ-Ngụy thì thua tan tác. Trong khi đó tôi (và nhiều bạn trẻ cùng trang lứa) đâu có xa lạ gì về cuộc chiến này nhờ tác phẩm “Mùa Hè Đỏ Lửa” của Phan Nhật Nam, đặc biệt anh trai tôi là một sĩ quan của Thiết Đoàn 3 Thiết Giáp, thường kể cho tôi nghe những trận đánh đẹp ở DAKTO, ngã ba BANHET, v.v… Những chuỗi sự kiện đó, kết hợp với những câu chuyện khó tin về ông HCM làm cho tôi đặt “dấu chấm hỏi” về tính trung thực của những báo cáo mà tôi được nghe cũng như những tài liệu mà tôi đã đọc.
Năm 1977, người dân quê tôi phải vào hợp tác xã nông nghiệp. Tình cờ tôi đọc được một đoạn tin của báo Nhân Dân “Nhân dân xã Bình An nô nức xếp hàng, xin vào hợp tác xã nông nghiệp”. Mùa hè năm đó tôi về quê thăm gia đình và biết được sự thật trái ngược hẳn với những gì mà báo Nhân Dân đưa tin: Những gia đình nào không vào hợp tác xã đều bị du kích dí súng đưa đi giam tại trụ sở xã, khi nào ký đơn vào HTX mới được thả ra.
Sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm, lúc nào tôi cũng nghe văng vẳng bên tai câu nói bất hủ của cố TT Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm.”
Vào khoảng giữa năm 2012, khi tôi đang đọc loạt bài sự thật về ông HCM, đăng trên Danlambao thì chị tổ trưởng tổ dân phố khu vực nhà tôi ghé thăm nhà.
– Chú đọc gì đó? Chị tổ trưởng hỏi.
Tôi chuyển laptop cho chị đọc. Sau khi đọc xong chị nói:
– Người ta nói xấu bác đó. Bác vô cùng thanh liêm và thương dân lắm. Khi tôi đang học trường, vừa học vừa làm ở ngoài Bắc, một hôm Bác đến thăm, bác xuống nhà bếp, nhặt từng hạt gạo rơi trên đất rồi nhắc nhở chúng tôi phải tiết kiệm. Đến giờ cơm, mời bác dùng cơm, bác từ chối với lý do là sợ mất phần của chúng tôi. Sau đó, bác ra ngoài xe lấy nắm cơm đem theo, ngồi ăn cùng tài xế.
– Thật là một diễn viên xuất sắc. Tôi nói làm chủ tịch của một nước mà khi đi thăm một trường, đến giờ cơm mà đơn vị hành chánh thấp nhất không lo nổi bữa cơm cho chủ tịch nước. Đây là một trò bịp con nít thế mà chị tin sao?
Ngày xưa, do điều kiện thông tin còn lạc hậu, nên người ta dễ dàng lừa phỉnh người khác để đạt được mục đích của mình. Ngày nay nhờ sự phát triển của internet, tất cả sự thật sẽ phơi bày ra hết. Một ngày không xa, chị sẽ biết sự thật về lịch sử của Việt Nam, khi đó chị sẽ biết HCM là ai. Nghe tôi nói thế chị im lặng rồi ra về.
Nhận thức của mỗi người là kết quả của những ngày tháng cắp sách đến trường, kết hợp với những kiến thức từ sách, báo, thêm vào đó một chút tư duy và kinh nghiệm từng trải qua cuộc sống hàng ngày.
Điều đau lòng cho dân tộc Việt Nam là hiện nay có không ít người còn tin vào những điều mà Cộng Sản Việt Nam vẫn thường rêu rao hàng ngày, đặc biệt vẫn còn mê muội về ông HCM, trong đó có cả những người được gọi là trí thức. Vì vậy, khi tham dự cuộc thi viết về đề tài “Cộng sản và Tôi” tôi nghĩ tội ác mà CSVN đã gây ra với dân tộc Việt Nam thật khó mà kể cho xiết, nhưng trong đó có một tội tày đình mà dân tộc này không thể nào dung tha, mỗi người chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ đó là tội bóp méo lịch sử và lừa dối người dân khi tô vẽ tên giặc tàu Hồ Quang trở thành “cha già kính yêu của dân tộc”.
Thật hạnh phúc khi tôi là một trong nhiều người không bị mắc lừa bởi Cộng Sản,
Sài Gòn, ngày 26-4-2015
Tôi là người không bị lừa bởi Cộng Sản
No comments:
Post a Comment