Wednesday, 29 April 2015

Văn khố UCI nhận tài liệu thuyền nhân Việt Nam thời kỳ ở Hồng Kông


WESTMINSTER, California (NV) – Buổi lễ nhận tài liệu thuyền nhân Việt Nam thời kỳ ở Hồng Kông, do một mạnh thường quân từ nước Úc sang, để trao tặng Văn Khố Thư Viện UCI, diễn ra lúc 4 giờ chiều Thứ Hai, 27 Tháng Tư, trước sự hiện diện của giới truyền thông và một số đồng hương, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster.



Tiến Sĩ Thúy Võ Đặng (trái) và ông John Renaud (giữa) nhận sổ lưu niệm thuyền nhân Việt Nam.. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Tiến Sĩ Thúy Võ Đặng (trái) và ông John Renaud (giữa) nhận sổ lưu niệm thuyền nhân Việt Nam.. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)



“Tôi từ nước Úc đến Little Saigon tham dự lễ tưởng niệm 30 Tháng Tư và để trao tặng cộng đồng người Việt sáu tập tài liệu do Cynthia Bashall, vợ tôi sưu tập, gồm hàng ngàn hình ảnh, bài báo, thư từ, và tài liệu liên quan đến thuyền nhân Việt Nam tại các trại tị nạn Hồng Kông,” ông Talbot Bashall, 89 tuổi, cựu giám đốc điều hành Trung Tâm Kiểm Soát Người Tị Nạn Hồng Kông, nói.


“Có thể nói đây là một bộ sưu tập hiếm có còn hiện hữu trong vùng Đông Nam Á,” ông  nói trong niềm xúc động, mắt nhìn bộ sưu tập giấy màu vàng cũ, nhuốm màu năm tháng, đặt trước sân khấu.


Trước đó, cô Jocelyn Nguyễn, đại diện ban tổ chức, giới thiệu bà Carina Hoàng, tác giả cuốn sách “Boat People” phát biểu về nguyên do đưa đẩy bà gặp ông Bashall.


“Ông Bashall và tôi ở Úc, được mời nói chuyện về lịch sử người tị nạn. Nhờ thế chúng tôi gặp nhau. Tôi chia sẻ ý nghĩ đang viết sách về người tị nạn trong khoảng thời gian 1975 đến 1996. Ông có ý định tặng tôi bộ sưu tập của bà vợ ông ấy nay đã qua đời,” bà nói.


“Tôi thấy đây là một di sản quá lớn cho cộng đồng người Việt tị nạn, tôi không dám giữ cho cá nhân mình, nên tiếp xúc với Tiến Sĩ Thúy. Chúng tôi đồng ý Thư Viện UCI là nơi xứng đáng, có khả năng chăm sóc và giữ gìn cho thế hệ mai sau. Vì thế chúng tôi mời ông Bashall sang để chuyển giao tài liệu quý giá này,” bà giải thích.



Những trang tài liệu vô cùng giá trị.. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Những trang tài liệu vô cùng giá trị.. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)



Bà nói khi ông Bashall còn trông coi Trung Tâm Kiểm Soát Người Tị Nạn Hồng Kông, ông giải quyết từ ba, bốn trăm hồ sơ tị nạn, có khi cả một ngàn người trong một ngày.


“Tưởng tượng khi ấy có khoảng 4,315 người tị nạn trên 43 con tàu đến Hồng Kông trong một ngày, tức mỗi giờ một chuyến, mới biết ông làm việc cực như thế nào,” bà Carina nói.


Tiến Sĩ Thúy Võ Đặng, đại diện Văn Khố Thuyền Nhân Thư Viện UCI, nhân dịp này thông báo một tin vui.


“Thay mặt cho Văn Khố Thuyền Nhân UCI, chúng tôi xin cám ơn chị Carina Hoàng, chị Hà Giang, anh Đinh Quang Anh Thái là những sứ giả đến với Văn Khố UCI, cũng như những chủ nhiệm sáng lập nhật báo Người Việt, ông Đỗ Ngọc Yến, ông Lê Đình Điểu, đã hợp tác với chúng tôi, để ngày 13 Tháng Nămtới đây chúng tôi sẽ khánh thành một trung tâm văn khố mới. Và thật là một đặc ân được phục vụ cộng đồng,” Tiến Sĩ Thúy nói.


Bà Carina Hoàng đặc biệt giới thiệu ông Charlie Lanle, 73 tuổi, cư dân Anaheim, gặp lại mạnh thường quân, ông Bashall tối hôm Chủ Nhật, sau 40 năm biệt vô âm tín.


“Tôi làm cho ‘Lãnh Sự 4′ ngay kế bên văn phòng ông Bashall ở Hồng Kông. Tôi qua Mỹ năm 1975 và không hề biết ông ấy ở đâu sau đó. Tối hôm qua tôi gặp lại ông ấy ở chùa Bảo Quang, trong lễ tưởng niệm thuyền nhân. Trời ơi, tôi mừng quá!” ông Charlie nói.


Cùng đến hội trường sớm là ông Cường Nguyễn, 70 tuổi, HO 2, cư dân Westminster, qua Mỹ năm 1990, nhận xét: “Hình ảnh đẹp nhất là bà Carina đã không giữ riêng cho mình. Tôi rất hãnh diện về bà ấy.”



Ông Nguyễn Khoa Đốc Anh giải thích cho con gái câu chuyện vượt biên. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Ông Nguyễn Khoa Đốc Anh giải thích cho con gái câu chuyện vượt biên. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)



Ông Nguyễn Khoa Đốc Anh, 61 tuổi, cư dân Westminster, dẫn cô con gái, Nguyễn Khoa Thanh Li, 7 tuổi rưỡi, lật từng trang và giải thích cho con câu chuyện của những người Việt vượt biên: “Tôi muốn cháu hiểu lịch sử thuyền nhân và tại sao bố mẹ cháu phải rời Việt Nam. Mong một ngày sau cháu hiểu biết, trở thành người lãnh đạo và cháu có thể nói thế giới, khi là đồng minh, đừng bỏ bạn mình như trường hợp Việt Nam.”


Sau chương trình, người tham dự còn ở lại hàn huyên, như thể quen nhau từ lâu, bịn rịn ra về.


Muốn biết thêm chi tiết về bộ sưu tập ký ức thuyền nhân, xin vào trang web:http://vietnamesediaspora.com/hongkong/gallery/scrapbooks/

––

Liên lạc tác giả: LinhNguyen@nguoi-viet.com


Người Việt



Văn khố UCI nhận tài liệu thuyền nhân Việt Nam thời kỳ ở Hồng Kông

No comments:

Post a Comment

Đại Họa Mất Nước