Tôi nhân danh sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà xin hứa sẽ trở lại với đồng bào.
Trung úy Đỗ Lệnh Dũng
Tưởng gì chứ sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà, cấp bực làng nhàng, như ông Dũng, tôi quen cả đống. Bạn cùng khoá cũng độ vài trăm, cùng đơn vị khoảng vài chục, và cùng trại (tù) thì chắc … vài ngàn!
Tôi đã nghe vô số thằng kể lại những giờ phút cuối cùng của đơn vị mình nhưng chưa thấy ai bị lâm vào hoàn cảnh bi đát, và giữa lúc thập tử nhất sinh, đã tuyên bố một câu (ngon lành) dữ vậy.
Cỡ Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu (vào giờ phút chót) cũng chỉ âm thầm … đào ngũ thôi, chứ chả hề có mở miệng nói năng gì ráo trọi – với bất cứ ai. Còn Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ thì ồn ào hơn chút đỉnh, rồi cũng chuồn êm – không lâu – sau đó.
Trường hợp của Đỗ Lệnh Dũng thì hơi khác. Cách hành xử của ông cũng khác. Bảnh hơn thấy rõ.
Đúng nửa đêm 24/11/1974, trái đạn 82 ly đầu tiên rót vào trong vòng đai Đồng Xoài. Với đại pháo và T-54 yểm trợ, hai trung đoàn của Sư Đoàn 7 của Bắc Quân – sử dụng chiến thuật tiền pháo hậu xung – đã chiếm được chi khu này, vào rạng sáng 7/12/1974.
Buổi chiều cùng ngày, trong khi đang cùng những quân nhân còn sống sót tìm cách thoát khỏi vòng vây, trung úy Đỗ Lệnh Dũng (bỗng) thấy một đoàn người – toàn là đàn bà và trẻ con nhếch nhác, với tay nải hòm xiểng, lôi thôi, lếch thếch – nằng nặc đòi đi theo toán quân của ông, để trốn ra khỏi vùng đất (sắp) được … hoàn toàn giải phóng.
Trước nguy cơ dân chúng có thể bị thiệt mạng oan uổng trong lúc giao tranh, và để thuyết phục mọi người nên ở lại nhà cho được an toàn, trung úy Dũng đã dõng dạc tuyên bố với đám đông:
“Tôi nhân danh sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà xin hứa sẽ trở lại với đồng bào.”
Và Đỗ Lệnh Dũng đã trở lại thực, chỉ vài ngày sau, như là một … tù binh! Rồi ông bị đấu tố trước Toà Án Nhân Dân Huyện Đôn Luân, một tên gọi khác (mỹ miều hơn) của Đồng Xoài, và đưa từ Nam ra Bắc – theo đường mòn Hồ Chí Minh – để đi cải tạo. Gần muời năm sau, năm 1982, trung úy Đổ Lệnh Dũng được chuyển trại từ Bắc vào Nam – và tiếp tục … ở tù!
Cuộc đời (rõ ràng và hoàn toàn ) không may của trung úy Đỗ Lệnh Dũng đã được nhà văn Lê Thiệp viết lại, bằng một cuốn sách – dầy đến bốn trăm trang – lấy tên của chính ông làm tựa. Nhà xuất bản Quê Hương đã cho phát hành phẩm này (1) vào cuối năm 2006, với lời giới thiệu – như sau:
“Đỗ Lệnh Dũng không chỉ là câu chuyện về chiến tranh, dù nhân vật chính là một chiến binh mất tích giữa chiến khu D sau một trận đánh dữ dội.” Đây là câu chuyện về những oan khiên khắc nghiệt mà người dân Việt Nam phải trải gần trọn thế kỷ qua cho đến ngày nay.
Nhân vật chính giã từ cha mẹ khi tròn 18 tuổi và lúc được gặp lại cha mẹ thì đã gần tới tuổi ngũ tuần. Thời gian xa cách là lửa đạn, là những ngày lê gót trên con đường mòn vượt rừng núi Trường Sơn từ Nam ra Bắc, là những năm tháng đoạ đầy tại những trại tù …
Dù chỉ là một góc cạnh giữa muôn ngàn góc cạnh của một thời bão táp, câu chuyện vẫn là bằng cớ vô giá về thảm trạng con người bị tước đoạt trọn vẹn tuổi trẻ, tình yêu gia đình và mọi điều kiện an bình của cuộc sống.”
Cuốn Đỗ Lệnh Dũng được ra mắt vào ngày 21 tháng 1 năm 2007, ở thành phố San Jose, California. Hôm đó, tôi đã hân hạnh được nhìn thấy Trung Úy Dũng và Thiếu Tá Đặng Vũ Khoái – chỉ huy trưởng Chi Khu Đôn Luân – người mà không mấy ai tin là còn có thể sống sót, sau khi đơn vị này thất thủ.
Thiếu tá Khoái cho biết nhờ tác phẩm này mà trong mấy tuần qua, một số những người lính năm xưa – đang tản mát khắp năm Châu – đã tìm lại được nhau. Và ông nghẹn ngào khi giới thiệu với mọi người, vài quân nhân khác của đơn vị – hiện cũng đang có mặt tại hội trường.
Tôi ngồi ở xa, không nhìn rõ nét mặt của những nhân vật này nhưng có thể đoán được rằng mắt họ đều đang ngấn lệ. Tôi cũng là một cựu chiến binh, cũng có cái may mắn lớn lao là còn sống sót sau cuộc chiến vừa qua, và thoát thân đến được một quốc gia an bình phú túc nên cảm thông (thấm thía) sự xúc động của họ.
Trong giây phút đó (có lẽ) mọi người đều cảm thấy an ủi và ấm lòng, trước cảnh trùng phùng bất ngờ (và khó ngờ) đến thế. Cái cảm giác sung sướng vì sự may mắn (hiếm hoi) của mình đã theo tôi suốt cả buổi chiều hôm ấy, và đã cùng với tôi đi vào giấc ngủ.
Nửa khuya, tôi thức dậy. Đêm nào tôi cũng thức dậy vào giấc đó. Và đó cũng là lúc mà tôi thường lò mò trở về … chốn cũ. Như một công dân “part – time” của nước Hoa Kỳ, tôi chưa bao giờ sống hết mình và hết tình nơi quê hương mới. Gần ba mươi năm lưu lạc, tôi vẫn cứ sống (một cách mộng mị) đều đều – theo kiểu “ngày ở / đêm về” – như thế.
Tôi thường trở về Đà Lạt. Đây là nơi mà tôi đã lớn lên, và đã ướp đẫm tuổi thơ (cũng như tuổi trẻ của mình) bằng rất nhiều đặc sản của núi rừng: nuớc hồ Xuân Hương, sương mù, phấn thông vàng, mùi cỏ dại của Đồi Cù, và cả trăm loại hương hoa man dại.
Có dạo tôi hay trở về những đồi trà, đồi bắp, đồi khoai – bao quanh trại cải tạo Tân Rai – ở Blao. Tôi cùng lũ bạn tù cứ đi trong nắng sớm, trên những con đường mịn màng (thơm nồng mùi đất) sau một đêm mưa.
Cũng có khi tôi về lại Sài Gòn, ghé thăm một người bạn đồng đội mới, chỉ vừa biết sơ, qua một bài báo ngắn – của ký giả Bùi Bảo Trúc:
Sáng nay mở e-mail ra đọc, tôi nhận được từ một người không hề quen biết, không kèm theo một giòng chữ nào, bức hình một người đàn ông mà tôi cũng chưa gặp bao giờ. Hình chụp người đàn ông đang ngồi trên giường có trải chiếu, đằng sau là bức tường loang lổ, hoen ố những vết đen mốc. Ông có một bộ ria, tóc dầy và đen, một mắt to, một mắt nhỏ mà tôi nghĩ là bị hư, chỉ còn một con. Ông không còn chân tay. Hai chân bị cụt trên đầu gối. Và hai tay cụt ở trên khuỷu tay, gần nách.
Trong hình có ghi tên ông. Ông tên là Thìn, Nguyễn Văn Thìn. Năm sinh được ghi là 1952. Hàng chữ phía dưới cho biết ông là thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Ðơn vị cuối của ông là Trung Ðoàn 49, Sư Ðoàn 25 Bộ Binh. Cấp bậc của của ông là Trung Sĩ Nhất. Ông sinh năm 1952, tuổi Thìn nên tên cũng là Thìn. Ông không còn chân tay. Từ 30 năm nay, ông không có chân, cũng không có tay.
Ông làm sao sống nổi qua bằng ấy năm không có hai chân mà cũng không có cả hai tay. Tôi tưởng tượng, không khó khăn lắm, cũng vẫn thấy ra được những khó khăn của ông. Trong một chế độ thân thiện với ông, ông cũng đã vô cùng bất hạnh vì thiếu con mắt, thiếu hai tay, lại thiếu luôn cả hai chân. Huống chi trong một khung cảnh không thân thiện nếu không muốn nói là thù nghịch, thì ông còn khổ biết là bao nhiêu nữa. Tôi không dám tưởng tượng thêm ra những chuyện khác trong đời sống hàng ngày của ông, nếu đó có thể gọi được là một đời sống.
Ông Thìn luôn luôn nhìn tôi với đôi mắt u buồn và lắc đầu ra dấu, như có ý nói là đừng đến thăm nhau nữa: “muộn mất rồi.” Mãi sau này tôi mới biết là … muộn thật! Trong những trang sổ tay cũ, khi viết về trung sĩ Nguyễn Văn Thìn, cách đây vài năm, tôi đã có dịp phổ biến địa chỉ của ông: nhà số 9/8 đường Bông Sao, phường 5, quận 8, Sài Gòn.
Chừng một tháng sau, vài người báo cho tôi biết là họ đã gửi quà về biếu ông Thìn nhưng không còn … kịp nữa. Ông bạn đồng đội của tôi đã qua đời, vài tuần, trước đó!
Đêm nay thì tôi về miền Trung, phần quê hương khốn khó mà tôi chưa bao giờ có dịp ghé qua, để thăm một đồng đội khác:
Sự hy sinh của anh quá lớn, hai mắt, hai tay và hai chân cho tổ quốc còn cá nhân chị đã hy sinh cả cuộc đời cho những người mà cả tổ quốc phải tri ân. đã rưng rưng khóc lần nữa và cảm ơn nhiều lắm đến bà con ở Úc và Hội.
Tôi phải vượt đường xa tít tăp từ Huế tìm đến nơi 1 anh Thương Binh mù hai mắt, cụt 2 tay lẫn 2 chân gần Lăng Cô … Tôi nhìn thấy anh Dương Quang Thương nằm xấp ngay ngạch cửa. Tôi lên tiếng chào, anh bật ngồi dậy hỏi tôi là ai?”
Qua những phút giây trao đổi, tôi thấy anh khóc, những dòng nước mắt lăn ra từ hai hố mắt sâu thẳm ấy làm tôi phải khóc theo. Nghe tiếng người lạ, vợ anh từ sau hè chạy lên trên tay còn cầm nắm rau dền hoang vừa mới ngắt về để lo bữa ăn chiều, chị chào hỏi tôi rồi rót nước mời tôi uống …
Thoạt đầu tôi chỉ nói tôi là người mang tiền và thuốc tây đến cho anh do bà con từ bên Úc đóng góp gửi về. Tôi gởi anh 100 đô Úc và 5 hộp thuốc tây. Anh đã rưng rưng khóc lần nữa và cảm ơn nhiều lắm đến bà con ở Úc và Hội.”
Sau một hồi tâm sự anh nhắn gửi lời cảm ơn đến người điều hành Hội mà gia đình anh thường thư từ qua lại nhiều năm nay. Tôi xúc động quá và cho biết là: Thưa anh chị chính tôi đây… Nghe đến đó anh quờ quạng hai cái cùi tay còn lại lết thật nhanh về hướng tôi và ôm lấytôi mà khóc.
Vợ anh cũng khóc, tôi cũng khóc, người chạy xe ôm cũng khóc theo… Sự hy sinh của anh quá lớn, hai mắt, hai tay và hai chân cho tổ quốc còn cá nhân chị đã hy sinh cả cuộc đời cho những người mà cả tổ quốc phải tri ân.
Chị đã khóc nhiều lắm vì những khó khăn đè nặng thân phận của người phụ nữ ốm o gầy còm cố vươn vai suốt hơn ¼ thế kỷ gánh gồng, ẵm bồng tắm rửa, đút ăn và những cơn lũ lụt khủng khiếp phải cõng chồng chạy tìm sinh lộ… Ra tới đầu ngõ, tôi và anh xe ôm vẫn còn khóc…
(Nguyễn Cảnh Tân (2), “Nỗi Sầu Riêng Hay Cái Đau Chung,” Việt Luận, 27 Oct. 2006).
Ở VN, bây giờ, mà khóc nhiều như vậy e hơi (bị) lố. Làm người Việt thì dù ở vào hoàn cảnh tệ bạc đến đâu chăng nữa vẫn (có thể) được khối kẻ khát khao. Tôi liên tưởng đến số phận te tua, bầm dập của Đỗ Lệnh Dũng và không khỏi trạnh lòng nghĩ thêm rằng: đó là cảnh đời mà phế binh Dương Quang Thương có nằm mơ cũng không thấy được.
Và hiện tại ở quê tôi còn bao nhiêu chục ngàn cựu chiến binh khác nữa (cũng tàn phế đến độ không thể đi xin ăn được) đang nằm chờ chết ở một xó xỉnh nào đó, ước mơ đến ngày có người đồng đội cũ (chợt) nhớ đến mình và ghé thăm chơi – như chiến hữu Nguyễn Cảnh Tân đã ghé thăm bạn Dương Quang Thương, vào một buổi chiều cuối năm 2006.
© 2006-2007 DCVOnline
(1) Cuốn Đỗ Lệnh Dũng giá 28 Mỹ Kim, kể cả cước phí, có thể đặt mua tại Tủ Sách Tiếng Quê Hương, P.O. Box 4653, Falls Church, VA 22044, USA.
(2) Địa chỉ liên lạc của ông Nguyễn Cảnh Tân
Hội Thiện Nguyện Cứu Trợ Thương Phế Binh Bị Lãng Quên Ở Việt Nam 42 Cardwell St – Canley Vale. NSW, Australia.
Điện thoại: (02) 9728 3640,
Điện thư: VASFIVV@yahoo.com.au.
Với tựa sách Đỗ Lệnh Dũng nhà văn Lê Thiệp đã kể câu chuyện về một người thật với tên thật .
Câu chuyện về nhân vật Đỗ Lệnh Dũng được mở đầu giữa chiến khu D, với trận đánh tại Đồng Xoài ,địa danh khó quên trong ký ức người Việt qua câu hát:
Tôi có người yêu chết trận Plei-me
Tôi có người yêu ở chiến khu “Đ”
Chết trận Đồng Xoài, chết ngoài Hà Nội
Chết vội vàng dọc theo biên giới.
(Tình Ca Của Người Mất Trí-Trịnh Công Sơn)
Trận Đồng Xoài đã hai lần đánh dấu mốc lịch sử chiến tranh Việt Nam :
Trận Đồng Xoài đầu tiên khởi sự đêm 10 tháng 6 năm 1965 khi 2.000 quân cộng sản tấn công biển người tràn ngập quận Đôn Luân và trong hoàn cảnh đó ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1965 ra đời.
Trận Đồng Xoài cuối cùng mở đầu quyển sách Đỗ Lệnh Dũng xãy ra vào đúng nửa đêm 24/11/1974 khi trái đạn 82 ly đầu tiên rót vào trong vòng đai Đồng Xoài. Với đại pháo và T-54 yểm trợ cùng với hai trung đoàn của Sư Đoàn 7, Việt cộng đã chiếm khu Đồng Xoài vào rạng sáng ngày 7/12/1974, mở đầu chuỗi xâm chiếm miền Nam và kết thúc vào ngày 30.04.1975.
Nhân vật chính Đỗ Lệnh Dũng giã từ gia đình, người yêu , bước vào chiến trường khi tròn 18 tuổi và chỉ gặp lại gia đình khi đã gần 50 tuổi.
Trận Đồng Xoài mở đầu bi kịch lịch sử đầy oan khiên , cay nghiệt không chỉ riêng cho Đỗ Lệnh Dũng , mà cho toàn dân miền Nam sau những ngày tháng khói lửa chiến tranh là những giờ phút lê lết bước chân mõi mòn trên con đường Hồ Chí Minh, vượt Trường Sơn từ Nam ra Bắc, không để được “giải phóng” mà để tra chân vào cùm, theo đúng nghĩa đen tàn bạo của cảnh tù cải tạo dưới chế độ Cộng sản.
Cùng chung với số phận người lính thua trận Đỗ Lệnh Dũng là số phận hàng trăm ngàn đồng đội của anh đã bị bắt hay tự nguyện sa chân vào cảnh tù tội vì tin vào “Chính sách Học tập Cải tạo”, “Chính sách khoan hồng của nhà nước Cách Mạng”.
Qua quyển sách Đỗ Lệnh Dũng, người đọc thấy rõ bộ mặt cai trị tàn ác của cán bộ CS, kẻ nắm quyền sinh sát người họ đã “giải phóng”, khiến tù nhân không còn sống kiếp người trong các trại cải tạo, tương phản với tính nhân ái của người chiến sĩ VNCH đã ra sức bảo vệ người dân trong cảnh chiến trường đầy nguy hiểm .
Tính lạnh lùng tàn nhẫn của người chỉ huy CS đối với đàn em dưới tay tương phản với tình “Huynh đệ chi binh” là “Sống Chết có nhau ” của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Cảnh đồng đội trở nên bạn tù dắt dìu nhau trên từng cây số, quyết không bỏ rơi bạn được ghi thật cảm động qua câu chuyện về Đại úy Lương Văn Bình, Tiểu đoàn phó một tiểu đoàn Địa Phương Quân :
“Nếu tôi có mệnh hệ nào, và nếu các ông còn sống trở về, nhớ nhắn với vợ con tôi là tôi không hối hận gì, không xấu hổ gì vì đã cầm súng chiến đấu.
Th/u Quyền nghe lời trối trăn trở nên nghiêm trang hơn: –
Tôi và Tr/u Dũng sẽ không bao giờ bỏ rơi Đ/u. Nếu phải 1 mình cõng hai ông đi Bắc tôi cũng cõng. Nếu cần thì ba đứa chôn chung 1 hố.” (Đỗ Lệnh Dũng-Chương 9)
Tính can trường chiến đấu của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã chinh phục những người lính miền Bắc, những người luôn phải nghe tuyên truyền xấu xa về “ngụy quân”, đã khiến họ phải thốt lên lời cảm phục chân thành ,đầy” chất lính”:
“Mấy bố khiếp lắm, đánh giỏi lắm. Hễ gặp ai ở tiểu đoàn 9 Dù cho thằng này gửi lời thăm. Mấy bố bắn khiếp.”Một người lính áp tải đến can thiệp thì anh ta văng tục liền:Địt mẹ, làm đéo gì thế. Ông mày đi B đánh nhau với Dù thừa sống thiếu chết, chưa sợ thằng nào đâu.” (ĐLD. Tr. 248-249.)
Qua đó cho thấy lời Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù l đã được xác thực:
Điều duy nhất tôi mong mỏi ở tất cả các anh em là phải thương yêu đùm bọc nhau, cố giữ lấy tinh thần của 1 người lính QG. Chỉ có thế, anh em mình mới chứng minh được mình khác họ. Và chỉ có thế mới minh giải được những điều anh em mình đeo đuổi là đúng.
Để sau 1975 có hiện tượng “giải phóng” ngược chiều, những người dân miền Bắc được mở mắt trước cảnh sống đầy tình người của quân dân miền Nam :
“Họ cũng là những người tò mò muốn tìm hiểu về miền Nam, về những cảnh sống mà như Sáu Sẹo nói với tôi: – Em tin là anh kể chuyện thật. Nhưng như vậy thì tụi em bị lừa, lừa từ lúc mới đẻ ra cho đến khi lớn, bị lừa cho đến già. Cả đời bị lừa, cả nước bị lừa.”
( Đỗ Lệnh Dũng-Chương 11)
Tình”Quân Dân cá nước“giữa đồng bào” và “lính mình” cũng được kể thật hồn nhiên tươi sáng qua ngòi bút nhà văn Lê Thiệp với hình ảnh những em bé, những phụ nữ rách rưới, gầy yếu đứng dọc đường bán bánh, bán nước, trái cây, ,mía ghim đã tự ý tung những món hàng của họ vào xe chở tù miền Nam, những người lái xe ôm không lấy tiền Tù cải tạo vừa được thả. Song song với cảnh tù đày của dân miền Nam là cảnh thực tế cơ cực dân miền Bắc từ lâu phải chịu, khác hẳn với lời tuyên truyền về“Cuộc chiến thần thánh” và ” Đoàn quân thắng trận” :
“Tiêu chuẩn “đi ba đến 1″ đôi khi không đạt đến vì bom đạn, vì bệnh tật. Những thanh thiếu niên miền Bắc không bao giờ được biết những gì chờ đợi họ trên đường đi Nam ngoài những hình ảnh hào hùng thần thánh. Khi đi từ đèo Mụ Già ở đầu cực Bắc bắt đầu cuộc trường chinh mỗi người được phát 1 ký đường Cuba, 1 lọ kí ninh, 1 ít lương khô và được hứa hẹn đi đến trạm là có đủ mọi thứ cần dùng. Họ không bao giờ hình dung nổi cái hung hiểm của núi rừng, của muỗi, của sốt rét, của đói khát.
Đấy là chuyện của phía bên kia. Phía bên này, hai trăm con người bị xích từng chùm ba 1, cũng không bao giờ tưởng tượng được những gì đang chờ đợi họ trong những ngày tháng tới.Thiên nhiên không phân biệt đâu là tù, đâu là cán bộ. Ngụy hay bộ đội thì cũng ướt, cũng lạnh như nhau. Trên con đường thiên lý đó chúng tôi đã gặp nhiều đơn vị CS đi ngược đường. Trông họ cũng thảm thương chẳng khác gì tù, chỉ thiếu có cái xích.”
( Đỗ Lệnh Dũng-Chương 12)
Cuộc chiến tranh không còn ý nghĩa khi nó kết thúc với cảnh tù tội đọa đày người anh em cùng chung quê hương,cùng dòng giống . ( xem Tài liệu trích dẫn).
Cùng với số phận tù đày của hàng trăm ngàn người là cảnh sống cơ cực, nghiệt ngã của thân nhân người bị đi học tập cải tạo với chính sách phân biệt đối xử, tước bỏ quyền làm ăn sinh sống, học hành . Có sống trong hòan cảnh của những người tù miền Nam nơi rừng thiêng nước độc xa xôi ở miền Bắc, mới hiểu sức chịu đựng phi thường của các bà Mẹ, người Vợ, người Em hay người Chị miền Nam đi thăm nuôi tù, đôi khi phải “nuôi” luôn cả Quản giáo để được dễ dàng hay kéo dài thời gian nói chuyện( Tài liệu trích dẫn)
Qua nhân vật Đỗ Lệnh Dũng ,nhà văn Lê Thiệp không chỉ cho thấy hình ảnh nhân ái của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa mà còn ghi khắc đời sống xã hội tươi đẹp, phồn thịnh của miền Nam trước 75, để thấy hai chữ “giải phóng” thật trớ trêu với cảnh người tù binh miền Nam bị giải từ Nam ra Bắc lần đầu được thấy “chiếc xe cải tiến “của miền Bắc và tự hỏi bao lâu nữa, cảnh “đẩy xe cải tiến” sẽ xãy ra ở miền Nam ?
Khi lâm vào tình trạng kiệt quệ, Hà Nội đã mời Thủ Tướng Lý Quang Diệu sang để cố vấn vào năm 1979. Ông Lý Quang Diệu là người từng đưa Tân Gia Ba từ 1 tiểu quốc lên thành 1 thế lực ở Đông nam Á. Câu trả lời của ông đối với Hà nội là cả một ngỡ ngàng: “Các ông không phải học đâu xa, học ngay miền Nam.Điều mà cựu Thủ Tướng Lý Quang Diệu quên mất là chỉ 3 năm dưới chế độ mới, miền Nam không còn là miền Nam như ông vẫn biết.
Tất cả chất xám hoặc đang bị tù không có ngày ra, hoặc đã vượt biên. Hạ tầng cơ sở kinh tế bị hủy hoại toàn bộ vì chính sách đánh tư bản mại bản và kinh tế kiểu XHCN. Thủ Tướng Lý Quang Diệu cũng không hiểu được dù cùng là người Việt, người CS đã nhìn người dân miền Nam như kẻ thù và không bao giờ lại có thể tin dùng kẻ thù.Từ Bắc chí Nam, trại tù mọc lên như nấm, nhìn vào bản đồ lấm chấm như da beo khiến danh từ Bamboo Gulag đã được dùng để so sánh với quần đảo ngục tù ở Nga dưới thời Stalin.”
( Tài liệu trích dẫn)
Câu chuyện về trung úy Đỗ Lệnh Dũng, người chỉ mơ cuộc đời bình thường dưới mái ấm gia đình lại phải lưu lạc trong chốn ngục tù 10 năm đã trở nên ly kỳ khi 20 năm sau tại Mỹ, trong buổi lễ giải ngũ , đại tá Sam Graves -Liên Đoàn Yểm Trợ 88 ở Indiana đã mời trung úy Đỗ Lệnh lên nhận bằng tuyên dương “Anh Hùng Mỹ Quốc” (American Hero Award) vì “hành vi vô vị lợi, sẵn sàng đem mạng sống của mình ra bảo vệ đất nước Việt Nam, nêu cao truyền thống bất khuất của quân lực Việt Nam Cộng Hòa và cũng là của quân đội Hoa Kỳ”. Ðỗ Lệnh Dũng người chiến đấu đến giây phút cuối ở trận Đồng xoài ra sức bảo vệ đồng đội , đồng bào, xem chuyện cứu mạng đại úy cố vấn Sam Graves là “không có gì ghê gớm, vì đó là bổn phận của tôi, và hơn nữa vì chính mạng sống của tôi và binh sĩ dưới quyền” đã tô đậm nét hào hùng của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa với điểm nhấn rất đáng yêu là anh hoàn toàn không muốn làm anh hùng . Sau buổi lễ, người được tuyên dương nhỏ nhẹ tâm sự với vợ: “Anh đâu có muốn làm anh hùng…”
Anh chỉ muốn một đời sống giản dị, bình thường, không bắn giết, không súng đạn. Ước ao đó từ hồi nhỏ nhưng rồi cả đời anh là chiến trận, là tù đày, là khổ nhục.Làm anh hùng để làm gì?”
( trang 387 – Ðỗ Lệnh Dũng).
Hai chữ “Anh Hùng” qua ngòi bút nhà văn Lê Thiệp đã được định nghĩa bằng tình thương yêu đồng loại, tính hy sinh quên mình vì người khác và tính khiêm nhường.
Từ đó đưa đến hy vọng ngày đất nước được đổi thay qua bàn tay những người Anh Hùng như thế, chắc chắn sẽ là ngày Hội thật sự của toàn dân Việt Nam, ngày mọi người được sống trong tình yêu thương nhân bản, như người chiến sĩ VNCH trong cảnh lưu lạc xứ người đã mơ ước :
Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương
(Cao Tần-Mai mốt anh về)
Trong chiến tranh Việt Nam hai chữ Anh Hùng đã bị lạm dụng để phục vụ cho một chủ nghĩa cuồng tín, sắt máu. Để từ đó chúng ta có cả một “Dân tộc Anh hùng” nhưng trong thực tế thật hèn yếu trước bạo quyền, bất công, tội ác.
Nên những tấm gương quên mình hy sinh vì người khác, hành động từ tình yêu thương đồng loại chứ không vì hai chữ “ Anh hùng “ cần được biết đến và trân trọng.
Nhà văn Lê Thiệp đã viết quyển sách này trong ước mơ đơn sơ về một ngày cùng gia đình quay về sống trên quê hương . Nay ông đã mất và tác phẩm Đỗ Lệnh Dũng đã được đưa lên mạng online , để mọi người cùng đọc .
Mong rằng nhiều người sẽ tìm đọc câu chuyện “Đỗ Lệnh Dũng” để cùng hy vọng cho xã hội Việt Nam tươi đẹp, không xây dựng bằng hai chữ “Anh hùng ” rỗng tuếch, mà từ tình yêu thương đồng loại của những người hiền..
Dương Hoàng Dung
Munich
22.07.2013.
Bài đọc thêm :
Ra mắt sách ” Đỗ Lệnh Dũng”
http://url9.de/GT9
Đỗ Lệnh Dũng –Mộng bình thường
http://url9.de/GTh
Chiến Hữu
http://url9.de/GTa
Cảm nghĩ khi đọc Đỗ Lệnh Dũng
http://url9.de/Hg9
Trận Đồng Xoài
http://batkhuat.net/tl-tran-dongxoai.htm
Cao Tần-Mai mốt anh về
http://url9.de/Hg8
Theo con số chính thức của chế độ cầm quyền được công bố trên tờ SG GP, riêng tại SG là 167,000 bao gồm sĩ quan các cấp, cảnh sát, chiêu hồi, viên chức chính phủ, ĐV đảng phái chính trị. Các tổ chức như Ân Xá Quốc tế và Aurora Foundation chỉ dựa vào những còn số chính thức do chế độ công bố, ước tính tổng cộng hơn 300,000 người đã bị giam cầm trên toàn thể lãnh thổ miền Nam. Nhưng theo những ước tính khách quan khác, con số lớn hơn nhiều – khoảng trên 1,000,000 người….” “
pp
Chiến hữu
No comments:
Post a Comment