Tuesday, 28 April 2015

Tháng Tư Buồn: Ba Thua Một Thắng


Tháng này cách đây 40 năm là tháng đổi đời.


82E0C6F2-D02A-47D9-BE3C-0E1C5A8D8456_w640_r1_s


Cộng sản Bắc Việt ca bài đại thắng mùa Xuân sau khi thiết giáp mang cờ Mặt Trận Giải Phóng tông vào Dinh Độc Lập đã để ngỏ. Dường như tướng Trần Văn Trà là người lớn giọng tuyên bố, đại khái “hôm nay không có ai thua, là ngày đại thắng của toàn dân”. Trong khi đó thì cả chục ngàn người dáo dác tìm đường chạy ra khỏi nước. Nhiều người đã sớm chạy từ trước, từ miền Trung vào Nam, từ miền Nam chạy ra biển.


Họ lo chạy quá nên không nghe thấy câu trấn an của tướng Trà. May cho họ. Những ai không may bị kẹt lại, đã lại một phen nữa có dịp… phục Tổng thống Thiệu về câu “đừng nghe những gì Cộng sản nói…”.


Ngày đại thắng của toàn dân đúng ra là ngày đại họa của toàn dân, kể cả dân ngoài Bắc hý hửng lo ăn mừng. Định nghĩa của “lo ăn mừng” là “mừng rồi thì lo miếng ăn”. Mừng chiến thắng thì ít mà mừng không phải tiễn con vào Trường Sơn thì nhiều hơn. Sau đó là đói dài dài.


Hàng ngàn con thiêu thân bị chết trong cuộc chiến để được gì? “Đại thắng” được cái gì?


Thật ra, tướng Trà nói sai bét. Ngày 30 Tháng Tư là ngày không có ai thắng mà ba phe đều thua: Mỹ thua, miền Nam thua, miền Bắc cũng thua.


MỸ THUA – VIỆT NAM CỘNG HÒA THUA



Cố tổng thống Ngô Đình Diệm đã nhìn thấu ruột gan của thầy (Mao Trạch Đông) trò (Hồ Chí Minh, Kayson Phomvihan, Pol Pot) khi ông không kết án Liên Xô và Đông Âu vì ông biết những quốc gia này đã bị thầy trò Mao lợi dụng khi chúng núp bóng

Cố tổng thống Ngô Đình Diệm đã nhìn thấu ruột gan của thầy (Mao Trạch Đông) trò (Hồ Chí Minh, Kayson Phomvihan, Pol Pot) khi ông không kết án Liên Xô và Đông Âu vì ông biết những quốc gia này đã bị thầy trò Mao lợi dụng khi chúng núp bóng “dân tộc tự quyết” để được tài trợ vũ khí, lương thực, thuốc men etc nhằm biến kế hoạch Hán hoá Đông Dương (đề ra vào ngày 3/2/1930) thành hiện thưc.
Chiến tranh Đông Dương do Mao khởi xướng từ 1945 chỉ chấm dứt sau khi Cambodia, Lào, Việt Nam đã chính thức trở thành một tỉnh của China.



Nước Mỹ từ thời Tổng thống Eisenhower đầu thập niên 50 cho tới thời Ford năm 1975, đúng một phần tư thế kỷ, đã đổ hàng trăm tỷ và hy sinh cả 58.000 thanh niên chết để giúp giữ Việt Nam khỏi rơi vào tay cộng sản, chưa kể hàng trăm ngàn bị thương tật vĩnh viễn.


TT Roosevelt là người có quyết tâm muốn tất cả các cựu thuộc địa của Âu Châu tại Á Châu và Phi Châu giành lại được độc lập sau Đệ Nhị Thế Chiến, kể cả Việt Nam. Nhưng nhu cầu chiến lược thực tế đã buộc Mỹ phải đổi ý. TT Truman lo sợ hiểm hoạ bành trướng Xô Viết tại Âu Châu, lo thành lập một liên minh chống cộng mạnh tại đó. Mà liên minh đó không thể ra đời được nếu không có Pháp.


Trong khi Anh và Hoà Lan sẵn sàng nhả các thuộc địa lớn của họ tại Ấn Độ và Indonesia, thì Pháp, với ông tướng bị bệnh vĩ cuồng vì tham vọng vĩ đại (dân Pháp gọi là folie des grandeurs) Charles de Gaulle, lại khăng khăng không chịu nhả Việt Nam. Cái giá Tổng thống Truman phải trả để de Gaulle tham gia vào liên minh Âu Châu chống Xô Viết chính là Đông Dương. Mỹ giúp Pháp giữ lại Đông Dương thì Pháp sẽ giúp thành lập Minh Ước Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương NATO.


Trong tình trạng đó, Truman cân nhắc và quyết định… thí độc lập của Đông Dương để giữ Pháp. Mỹ viện trợ tài chánh và quân sự để Pháp trở lại Việt Nam. Dù vậy, cả Pháp lẫn Mỹ vẫn thua khi Mao chiếm được cả nước Tầu, biến cái xứ khổng lồ này thành căn cứ hậu cần vĩ đại của CSVN.


Nhìn lại lịch sử, thủ phạm quan trọng nhất đã tạo ra hai cuộc chiến đẫm máu tại VN kéo dài 30 năm, từ 1945 đến 1975, đưa đến cộng sản hoá cả nước không ai khác hơn là de Gaulle. Nếu de Gaulle ủng hộ ý kiến của Roosevelt thì Việt Nam đã được độc lập từ khi Thế chiến II chấm dứt. Tuy không ai biết được Việt Nam sẽ theo chế độ nào sau đó, nhưng ít ra thì cũng đã không có cuộc chiến 30 năm với cả chục triệu người chết.


Mỹ nhẩy vào giúp Pháp, mà thua từ cuộc chiến này chỉ vì đánh nửa chừng xuân, chân trong chân ngoài, cũng chẳng khác gì trong cuộc chiến Việt Nam lần thứ hai giữa Bắc và Nam.


Khi Pháp hấp hối tại Điện Biên Phủ và cầu cứu Mỹ, thì Eisenhower tiếp cứu lấy lệ, ển ển xìu xìu. Có vẻ như cố tình cho Pháp thua để Mỹ có dịp vào thay thế, “cứu” Việt Nam, với hy vọng là Pháp ra đi, cuộc chiến chống thực dân sẽ mất lý do. Và quân cộng sản sẽ thất bại trước chính nghĩa của một Việt Nam độc lập và trước sức mạnh quân sự của Mỹ.


Khi Pháp thất bại thì Mỹ vào thay thế thật.


Nhưng vì nhu cầu sống còn, Miền Nam lại lệ thuộc Mỹ quá mức. TT Diệm trực diện với một triệu dân di cư, nửa tá các tổ chức phiến loạn giặc cướp như Bình Xuyên, một hệ thống hành chánh yếu kém với các quan chức phần lớn xuất thân từ thư ký và thông ngôn của thời Pháp, một quân đội phôi thai mà cấp lãnh đạo đều thuộc hàng cấp úy trong quân đội viễn chinh Pháp, và dư đảng Cộng sản vẫn chưa tập kết hết ra Bắc. Ông Diệm cũng chẳng có một hậu thuẫn chính trị nào trong nước, cho đến khi thành lập được cái “Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia” và “Đảng Cần Lao Nhân Vị” mà phần lớn lại là những tay thời cơ chủ nghĩa, gia nhập để có dịp thăng quan tiến chức và tan hàng một ngày sau khi Tổng thống Diệm bị giết!


Một thân một mình trước dẫy núi khó khăn cùng cực, ông Diệm phải dựa vào Mỹ.


Mà ông đồng minh này lại chỉ là thứ võ biền vô mưu, chỉ biết bắn nhanh đánh mạnh, không một chút suy tư gì về chính trị, tâm lý quần chúng, chính nghĩa, đạo lý… Đọc sách Mỹ sẽ thấy mỗi lần tổng thống hỏi làm sao thắng thì các cố vấn và tướng lãnh trả lời bằng các con số sư đoàn, phi cơ, tấn bom, v.v…, thỉnh thoảng mới nói phớt qua những yếu tố phi quân sự chung chung như cần bầu cử, cần ổn định chính trị.


Đã vậy, Hoa Kỳ lại luôn tự tin, đi đến đâu cũng nghĩ chỉ có mình là tài giỏi, là biết hết, là có giải pháp hoàn hảo cho mọi vấn đề. Muốn thắng Cộng sản ở Việt Nam? Quá dễ, chỉ cần mấy ông Việt Nam đứng qua một bên, coi chúng tôi ra tay.


Thực tế, ông Mỹ võ biền này đụng đâu… thua đó.


Sau 1954, ông chờ đợi một biển người ồ ạt tràn qua vĩ tuyến 17 như tại Triều Tiên, thì Việt cộng đánh du kích thôn quê, làng xã và lớn mạnh nhanh chóng. Ông đổi chiến lược đi lùng du kích trong thôn quê thì Cộng sản đánh 150 tỉnh lỵ trong một đêm giao thừa. Ông lại đổi chiến lược cho lính Cộng Hoà giữ thành phố để ông truy lùng Việt cộng trong rừng, thì Vi Xi đẩy xe tăng tràn qua vĩ tuyến 17 trong một mùa Hè Đỏ Lửa. Mèo bắt chuột mãi không được, tất nhiên mèo phải mệt.


Dân Mỹ nản chí, rồi từ nản chí lan qua chuyện đòi bỏ cuộc, không chơi nữa. Đưa đến cái tháo chạy qua nóc tòa đại sứ.


Nhưng đúng truyền thống Mỹ, họ đổ thừa rất giỏi.


Mấy năm đầu lận đận khiến cái bình phong vớ vẩn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ngày một lớn mạnh. Nhưng đó là “lỗi của cái ông quan lại lẩm cẩm họ Ngô làm kỳ đà cản mũi”. Ông làm ơn tránh ra cho tôi đánh. Nhưng ông quan này không chịu tránh. Thôi thì đành “giải quyết” bằng “biện pháp mạnh” bằng những kẻ võ biền mà còn vô mưu hơn Mỹ.


Rồi Mỹ ào ạt mang nửa triệu lính, và hàng triệu tấn bom vào chiến trường.


Để rồi vẫn thua. Bây giờ thì tại vì lính Việt Nam Cộng Hòa không chịu đánh!


Báo chí và ngay cả chính khách và tướng lãnh Mỹ chỉ trích quân đội miền Nam nói chung không đánh nhau hăng hái, sẵn sàng hy sinh bằng các bộ đội Cộng sản Bắc Việt hay du kích của “Mặt trận Gỉai phóng Miền Nam” – được thành lập ở ngoài Bắc từ Tháng 12 1960 (Sau “Nghị quyết Chín” vào Tháng Chín năm đó).


Họ không hiểu được một bên là những người lính ít học nhưng được huấn luyện quân sự và chính trị, đã bị lừa gạt và nhồi sọ lý thuyết “chống ngoại xâm cứu nước” làm kim chỉ nam. Bên kia là những anh lính cũng ít học nhưng chỉ được dạy bắn súng mà không được giải thích cho rõ tại sao phải nghe một ông sĩ quan da trắng để cầm súng bắn một người đồng hương, có khi là anh em ruột thịt của mình không chừng.


Dù sao, cái chết của 58.000 thanh niên Mỹ đúng là công cốc. Đó là chuyện Mỹ thua. Kể từ đó, thiên hạ hết tin lãnh đạo của nước Mỹ và Hoa Kỳ cứ đụng vào xứ nào cũng lại bị câu hỏi: «một Việt Nam khác chăng?»


Khối quốc gia có chính nghĩa ở điểm thực sự muốn có độc lập, tự do và dân chủ, nhưng trong cách hành xử, cũng đã để mất hết chính nghĩa.


Trong con mắt của dân gian bình thường, thực dân Pháp là kẻ thù phải đánh đuổi cho được. Không phải chỉ có Cộng sản hay Hồ Chí Minh chống Pháp, trước đó đã có Đề Thám, Nguyển Thái Học, Phan Bội Châu, và không biết bao nhiêu người và tổ chức không Cộng sản cũng đã hy sinh chống Pháp. Cả nước thù ghét thực dân Pháp.


Nhưng phe “quốc gia” ta lại là đồng minh của Pháp. Sau Pháp thì đến Mỹ.


“Ông quan lẩm cẩm” họ Ngô đã lượng giá đúng mức tầm quan trọng của “chính nghĩa” trong cuộc chiến “giành đất không quan trọng bằng giành dân”, khi ông không chấp nhận cho lính Mỹ ồ ạt bước vào. Ông Diệm chết đi, chính nghĩa mới có chút đỉnh của ta chết theo, bất kể sự kiện ông cũng có những sai lầm qua chế độ cai trị dựa vào gia đình, gây hiềm khích với Phật giáo để bao kẻ khác từ Mỹ đến cộng và bọn thời cơ, khai thác làm lý do lật đổ chế độ của ông.


Việt Nam Cộng Hòa ta thua vì không làm sáng tỏ chính nghĩa và mất dần hậu thuẫn của dân, đó là lý do quan trọng.


Chính nghĩa của người quốc gia không thể sáng tỏ khi ta phải là đồng minh của thực dân da trắng Pháp, rồi lại thành đồng minh của Mỹ, là da trắng đồng minh của thực dân Pháp. Cho dù một ngôi làng đã có vài tên Việt cộng trú ẩn, lính ta mà đi với lính Mỹ đốt làng để truy lùng Việt cộng thì làm sao tạo được chính nghĩa?


Tóm lại, dân Việt ta thua khi Pháp nghiến răng ôm cứng Việt Nam khiến Truman thấy Pháp nặng ký hơn ba cái xứ chậm tiến Đông Dương, giữ Pháp làm đồng minh quan trọng hơn là giúp Việt Nam được độc lập. Rồi Miền Nam ta thua khi Mỹ tự cao tự đại, tự tin vào sức mạnh quân sự tuyệt đối, không cần để ý tới những yếu tố tâm lý quần chúng, chính nghiã của chính quyền miền nam, để rồi đánh mãi không thắng, cho đến khi dân Mỹ mất tin tưởng, muốn bỏ về, ép Nixon phải bỏ cuộc. Miền Nam ta thua cũng vì cả hai chính quyền đệ nhất và đệ nhị Cộng Hoà đều không có khả năng tự lập mà bám vào “đồng minh”.


Sự lệ thuộc đó khiến các chính quyền miền Nam không chứng minh được là ta có chính nghĩa. Mà không có chính nghĩa trước mắt dân thì làm sao không thua được?


CỘNG SẢN BẮC VIỆT THUA


Khi quyết định đánh Miền Nam, Cộng sản có nhiều mục đích. Đầu tiên là thống nhất đất nước dưới quyền kiểm soát của họ. Nước Việt vài tháng sau ngày 30/4/75 đã được thống nhất dưới lá cờ đỏ và dưới đảng búa liềm. Nhìn dưới khía cạnh của một nhúm quan chức Cộng sản, khó chối cãi được là họ đã thành công trong mục tiêu này.


Nhưng thành công đó đã mang lại hàng loạt thất bại trầm trọng hơn, với những hệ quả tai hại gấp bội cho “chính nghĩa cộng sản” của họ.


Cái thua quan trọng nhất là một thập niên sau ngày thống nhất dưới sự lãnh đạo của các “đỉnh cao trí tuệ loài người”, cả nước sống trong lầm than cơ cực. Phải trở lại thời đô hộ của các quan thái thú Tầu ngày xửa ngày xưa người ta mới thấy được. Dĩ nhiên không kể cả triệu người bị nhốt trong tù cải tạo hay bị đầy đi kinh tế mới.


Cuối thập niên 80, lãnh đạo Hà Nội buộc phải thay đổi mà không mới, đi vào con đường tư bản dù còn cố bám víu vào khẩu hiệu mù mờ “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà chẳng ai hiểu, kể cả những kẻ phát minh ra khẩu hiệu. Mà có hiểu thì cũng chẳng ai tin.


Cái thua nặng của Cộng sản Bắc Việt sau ngày “đại thắng mùa Xuân” là đã chứng minh cho toàn dân thấy cái chủ nghiã hay chế độ cộng sản hay xã hội chủ nghĩa đều chỉ hay về lý thuyết, chứ thực tế hiển nhiên là đại họa.


Hồ Chí Minh từng hứa hẹn “giải phóng” xong Miền Nam, đảng cộng sản sẽ xây dựng lên một nước Việt Nam “đẹp gấp trăm gấp ngàn lần”. Bốn thập niên sau ngày thống nhất đó, nước Việt được xếp hàng trong 10 nước đứng hạng bét trên gần 200 quốc gia trên thế giới khi đo mức hạnh phúc của dân, nhưng được hân hạnh xếp trong 10 nước tham nhũng thối nát nhất thế giới, và 10 nước có chế độ kềm chế tự do ngôn luận khắt khe nhất.


Chính ông thủ tướng đương nhiệm cũng phải nhìn nhận Việt Nam có nhiều điểm còn thua cả Căm Pu Chia và Lào.


Sự thật lòi ra là “lãnh đạo đại tài” chỉ là đám ít học, cuồng tín, giỏi nói láo, chém giết, và khủng bố trong những loạn lạc do chính họ gây ra, nhưng không có khả năng điều hành một xứ trong hoà bình, điều hành một nền kinh tế trong mục tiêu phát triển, dân giàu nước mạnh.


Tệ hơn nữa, đám lãnh đạo đã để rơi hết mũ áo hào nhoáng thanh liêm, công bằng, yêu nước giả tạo, lộ nguyên hình là một nhóm tham lam cùng cực, chỉ biết lợi dụng quyền thế vơ vét của dân. Ngày trước, đến cả các tổng thống Diệm hay Thiệu cũng không có được một căn nhà riêng. Bây giờ, một bí thư cấp huyện cũng xây được biệt thự nguy nga đồ xộ kiểu hoàng đế phong kiến của “Tây” giữa một tỉnh nhỏ nghèo sơ xác.


Cái thua không kém quan trọng nữa cho Cộng sản Việt Nam là cả nước nhìn thấy “tình đồng chí môi hở răng lạnh” cũng lại là một sản phẩm của tuyên truyền láo khoét. Sau “chiến thắng” 1975, hòa bình chưa thấy đâu, lính chưa kịp giải ngũ thì xương máu thanh niên Việt lại đổ ra cho tham vọng đỏ, từ Căm Pu Chia tới Cao Bằng, Lạng Sơn.


Nếu không có “Đại Thắng Mùa Xuân” thì có lẽ tất cả những sự thật trên vẫn chưa bị lộ. Như vậy, nếu đây chưa phải là Việt cộnh đã thua thì thế nào mới là thua?


DÂN VIỆT NAM THUA


Trong Nam, trái với lời trấn an của tướng Trà – một người sau này cũng bị thất sủng –


khó có thể nói những người dân đó đã “thắng” khi mọi người chỉ có vài ba lựa chọn: đi “học tập cải tạo” để nếm mùi tù cộng sản, hoặc đi “vùng kinh tế mới” để chết đói, chết bệnh giữa rừng, hoặc ra biển trực diện với hải tặc, bão tố, tìm sự sống trong cái chết, hoặc cam phận trong chế độ gọi là “bao cấp” sống dở chết dở.


Bỏ qua chuyện mất tự do, mất tôn giáo, mất nhà, mất xe, mất của, chỉ nói đến chuyện miếng ăn sống còn, đang ăn cơm gạo mỗi ngày mà phải ăn khoai độn bữa có bữa không thì thắng chỗ nào?


Ngoài Bắc, dân ta cũng không vui gì hơn.


Ngay từ những ngày đầu mới chiếm được miền Nam, người dân miền bắc đã phải ngậm đắng nuốt cay với “chiến thắng”. Cứ đọc Dương Thu Hương thì thấy dân miền Bắc đã thấy gì và nghĩ gì sau khi có dịp vào Nam. Toàn thể cuộc chiến “giải phóng” miền Nam được xây dựng trên tuyên truyền láo khoét là dân trong Nam đang bị kìm kẹp, đói rách tận cùng, và dân miền Bắc, vì tình đồng bào ruột thịt, cần phải hy sinh đi cứu nguy, đi cứu đói, đến độ phải mang từ đôi đũa tre đến cái bát bằng đất xét, và vài ba cái quần áo cũ rách vào Nam cứu giúp.


Hình ảnh thần tượng “lãnh đạo muôn vàn kính yêu” sụp đổ trong chớp mắt để lộ ra một đám… Vẹm. Hiểu theo nghĩa dân gian là “nói dối như Vẹm”.


Sự “phản tỉnh” ồn ào của Dương Thu Hương chỉ che lấp phần nào cái hận bị lừa, cái nuối tiếc âm thầm của cả triệu người dân Bắc khi họ nghĩ đến những cái chết của bố mẹ, anh em, họ hàng, bạn bè, đến những hy sinh vô cùng tận của chính họ, cho một lý tưởng xây dựng trên tuyên truyền láo khoét, và nhất là cho một mục tiêu không cần thiết là cứu giúp đồng bào miền Nam.


Cuộc chiến đã lấy đi sinh mạng của cả triệu thanh niên Việt, từ Bắc đến Nam. Những người chết vì lá cờ vàng ít ra cũng đã chết vì chính nghĩa cho dù là một chính nghiã không sáng chói. Những người chết vì lá cờ đỏ đã chết vì bị lừa, chết để những cái tệ hại mà mình đã chống lại trở thành đường lối của những kẻ lãnh đạo họ. Những cái chết công cốc.


Họ chết vì chống nô lệ thực dân, đế quốc để rồi cả nước thành nô lệ Tàu đỏ, nô lệ đến độ khi Tàu đỏ chiếm thác Bản Giốc hay ải Nam Quan, dân chẳng biết gì vì Nhà Nước ém nhẹm tin. Khi Tàu đỏ chiếm đóng Hoàng Sa – Trường Sa, dân nổi lên phản đối thì bị lãnh đạo của họ đàn áp. Chính quyền Việt Nam bây giờ có khác gì các quan thái thú đàn áp dân chống Thiên triều ngày xưa?


Họ chết vì chống chủ nghĩa tư bản, họ xỉ vả đồng tiền làm thối nát nhân cách, để rồi lãnh tụ của họ lại trở thành những quan chức tham ô mù quáng thu vét tiền dân nhiều gấp trăm ngàn lần quan chức thời “ngụy”, nhà xe bạc tỷ trong khi bộ đội lãnh tiền hưu chưa đủ ăn ba bát phở.


Họ chết vì chống quan lại phong kiến để rồi thấy Tổng Bí Thư của họ ngồi ghế khắc rồng mạ vàng mà Bảo Đại cũng không dám mơ, trong khi các ghế quan chức béo bở nhất đều trở thành cha truyền con nối.


Họ chết vì chống Mỹ cứu nước để bây giờ thấy lãnh đạo đang hăm hở đón Mỹ cứu nước. Người ta có cảm tưởng các lãnh tụ Hà Nội đánh miền Nam chỉ vì một lý do duy nhất: giành ăn kẹo Mỹ. Như hai thằng con, thằng này thấy thằng kia được bố mẹ cưng chiều, cho ăn ngon mặc đẹp thì ghen tỵ, đánh thằng kia để giành phần cho mình. Đó chính là thực trạng cuộc chiến huynh đệ tương tàn Việt Nam, nhìn lại sau bốn thập niên.


Nhìn lại cho kỹ, Mỹ thua, Việt Nam Cộng Hòa thua, Cộng sản Bắc Việt thua, dân Nam thua, dân Bắc thua. Tất cả đều thua. Biến cố Tháng Tư 75 đúng là ngày đáng buồn, đáng hận cho cả nước, kể cả cho Cộng sản.


Thế thì ai thắng trong cuộc chiến dai dẳng và phi lý này? – Trung Quốc chứ còn ai?


Vũ Linh



Tháng Tư Buồn: Ba Thua Một Thắng

No comments:

Post a Comment

Đại Họa Mất Nước